Chiều 1-4, bão số 1 đổ bộ vào TP.HCM và thật sự chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, không gây thiệt hại nhiều. Đối với người dân TP.HCM, đây là một cuộc thử sức trước những biến cố bất thường của thời biến đổi khí hậu.
Ngư dân Cần Giờ vất vả đưa thuyền đi tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng |
Lực lượng TNXP được tăng cường từ các quận phân phát cơm cho người dân tránh bão tại trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ - Ảnh: T.Thắng |
Theo đánh giá của Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, công tác phòng chống bão số 1 của TP.HCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng đã chủ động và tốt hơn rất nhiều so với cơn bão số 9 năm 2006.
Cần Giờ di tản dân
Các lực lượng bộ đội, đơn vị cứu hộ cứu nạn, thanh niên xung phong và chính quyền các địa phương huyện Cần Giờ đã có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ. Phần lớn người dân sinh sống trên xã đảo Thạnh An đã được đưa vào nơi cư trú an toàn trước khi bão tới hơn một ngày, trừ một số người ở lại trông coi tài sản và tiếp tục làm công tác chống bão. Chủ các thuyền đánh cá cũng đã ý thức và chủ động đưa thuyền về tránh bão.
Đầu giờ chiều 1-4, khi thấy nhiều thuyền cá đậu ở bến cảng Cầu Đò không đảm bảo an toàn, chính quyền huyện Cần Giờ đã yêu cầu các chủ tàu di dời tàu vào bến cảng Cầu Đen nơi có rừng phòng hộ che chắn khuất gió hơn. Còn người dân ở thị trấn Cần Giờ và các xã khác chủ động che chắn nhà cửa, ở yên trong nhà, thậm chí một số gia đình có điều kiện đưa trẻ nhỏ tránh bão ở nhà bà con ở trung tâm TP. Khách du lịch cũng được chính quyền khuyến cáo và vận động nhanh chóng trở lại trung tâm TP, tới đầu giờ chiều hầu hết khách du lịch đã quay về.
14g30, ông Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo tạm đóng cửa phà Bình Khánh hướng từ Q.7 qua Cần Giờ, vẫn mở chiều từ Cần Giờ về Q.7 để khách du lịch trở về và người dân tiếp tục tránh bão.
Người dân đi tránh bão tại các nơi an toàn như trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi huyện được phát cơm hộp, nước miễn phí. Bà Nguyễn Thị Bạc (102 tuổi, sống tại ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An, đang tránh bão tại trung tâm văn hóa huyện) cho biết trong đời bà mới chỉ gặp vài cơn bão. Trong cơn bão số 1 lần này, bà cảm thấy rất an tâm khi gần 20 người trong gia đình bà được chính quyền di tản sớm và lo cho chỗ ăn ở an toàn.
Tuy không tới trung tâm tránh bão nhưng hai vợ chồng anh Lê Văn On ở bến cảng Cầu Đen, thị trấn Cần Giờ cũng đã chủ động gửi con tới nơi an toàn, còn hai vợ chồng ở lại trông nhà và theo dõi tình hình bão qua tivi, khi có biến sẽ qua trú ở nhà hàng xóm kiên cố hơn.
Khoảng 16g ngày 1-4, bão số 1 đổ bộ vào huyện Cần Giờ, sức gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 6 và duy trì trong khoảng hơn một giờ. Đến 18g cùng ngày, theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Huỳnh Cách Mạng, cơn bão số 1 đã làm sập 4 căn nhà, 16 căn tốc mái, 11 tàu bị chìm, 19 cây bị đổ ngã, không có thiệt hại về người.
Gió mạnh, người đi bộ trên đường Đồng Khởi (Q.1) chật vật che mưa; dọn dẹp cây gãy đổ trên đường Trương Định (Q.3) |
Ngập nước, cây xanh ngã đổ
Dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền nhưng gây ra mưa to, gió giật mạnh tại khu vực nội thành TP.HCM làm hàng loạt cây xanh ngã đổ, nhiều tuyến đường bị ngập nước.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP mưa kéo dài từ sáng nhưng chủ yếu tập trung chiều tối với lượng mưa đạt 102mm, gây ngập nhiều tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát, Hòa Bình, Âu Cơ, Bàu Cát, Đồng Đen từ 15-30cm. Đặc biệt, theo ghi nhận, từ 18g trở đi mưa liên hồi kèm theo gió giật mạnh đã làm cây xanh cao gần 10m trước nhà số 111 Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1 bị bật gốc ngã ra đường).
Sự cố cũng làm đứt dây cáp điện khiến nhiều hộ dân trên tuyến đường này bị cúp điện. Vào thời điểm này, một cây xanh trên đường Đông Du (Q.1) bị gió xô ngã đè lên taxi vinasun. Anh Đăng Hoàng Tuấn, tài xế taxi kể lại: “Khi xe vừa qua khách sạn Sheraton, có một bóng cây từ trên chụp xuống xe, tôi chỉ kịp đưa hai tay lên đỡ thì nghe tiếng ầm. Nhìn ra ngoài thấy cả cây cổ thụ ngã đè lên xe, hai người khách phía sau hoảng hốt la thất thanh.”
Mưa to kèm theo gió mạnh làm nhiều cây xanh lớn, trụ điện xung quanh công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) bị ngã đổ hàng loạt. Một chiếc xe taxi của hãng Vinasun bị một cây lớn và trụ điện ngã đè trong lúc đi từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất về vòng xoay Lăng Cha Cả - Cộng Hòa. Gần chục cây xanh lớn, chủ yếu là cây me tại các tuyến đường quanh công viên bị trốc gốc.
Một số trụ điện trên tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về Lăng Cha Cả - Cộng Hòa cũng bị gãy, kéo theo dây điện đứt hàng loạt trên tuyến đường này.Sau khi xảy ra nhiều sự cố, chiều tối qua, giao thông tại khu vực này trở nên hỗn loạn. Lực lượng Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất, Cảnh sát giao thông Q.Tân Bình và nhiều lực lượng chức năng liên quan khác phải điều tiết tình hình giao thông và khắc phục hậu quả tạm thời tại khu vực này.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, phó giám đốc Công ty công viên cây xanh TP thống kê đến 19g đã có 31 cây xanh loại 1-2 bị bật gốc ngã ra đường gây cản trở giao thông. Công ty phải cử hơn 100 cán bộ ưu tiên xử lý ngay những cây xanh này.
Do gió ngày càng mạnh, đến 21g đã có thêm nhiều cầy cổ thụ khác trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Đông Du, Nguyễn Thị Nghĩa, 3 tháng 3... tiếp tục bị ngã xuống đường. Cho đến 22g tối qua, vẫn chưa có con số chính thức thống kê cây xanh bị ngã đổ.
Bão bất thường
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu (tâm bão giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM), bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống còn cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7-8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Tuy nhiên hoàn lưu áp thấp nhiệt đới còn gây gió giật cấp 6-7 ở vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Trước khi vào đất liền, bão số 1 đã gây gió mạnh 14m/giây (cấp 7), giật 22m/giây (cấp 9) ở TP Phan Thiết và một số nơi khác thuộc tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, bão số 1 xuất hiện sớm, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta mang nhiều yếu tố khá bất thường. Số liệu quan trắc cho thấy trong hơn 40 năm qua chỉ có bảy cơn bão xuất hiện thời điểm tháng 3, trong đó có một cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đa số những cơn bão hình thành sớm không phải ở mùa bão (từ tháng 6 trở đi) thường “chết” trên biển do thời điểm này mặt biển còn khá lạnh, không cung cấp nhiều năng lượng để bão tồn tại lâu. Hướng di chuyển của bão sớm rất phức tạp, thường dịch chuyển lên phía bắc.
Tuy nhiên bão số 1 tồn tại khá lâu đến năm ngày trên biển, chỉ suy yếu khi vào đất liền. Theo bà Lan, yếu tố làm nên bão số 1 bất thường có thể do tác động biến đổi khí hậu làm cho mặt nước trên biển ấm hơn bình thường. Dự báo năm nay bão sẽ xuất hiện 6-7 cơn nhiều hơn trung bình các năm 1-2 cơn.
Trên 2.000 dân Cần giờ được di tản
Sáng 31-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí chỉ đạo khẩn yêu cầu UBND huyện Càn Giờ tổ chức sơ tán, di dời dân ở xã đảo Thạnh An.
16g ngày 31-3, UBND huyện Cần Giờ đã di dời được 1.773 người dân xã đảo Thạnh An9g sáng 1-4, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua và nhiều lãnh đạo TP có mặt tại UBND huyện Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công các phòng chống bãoTrưa 1-4, có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.Trong đó, ba điểm tiếp nhận 1.545 người dân xã Thạnh An gồm: Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ: 670 người; nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ: 665 người; Liên đoàn lao động huyện Cần Giờ: 210 người. Ba điểm tiếp nhận 500 người dân thị trấn Cần Thạnh gồm: Trường THPT Cần Thạnh: 227 người; Trường tiểu học Cần Thạnh: 200 người, ngoài ra các trường mầm non và bệnh viện tiếp nhận 73 người. Bốn điểm tiếp nhận 250 người dân xã Long Hòa gồm: Trường tiểu học Long Thạnh: 170 người; nhà văn hóa ấp Đông Hòa: 40 người; trường tiểu học Hòa Hiệp: 25 người; Đồn biên phòng 562: 15 người.THUẬN THẮNG* Hai người bị nước cuốn trôi. Tại Ninh Thuận, anh Trần Xuân Hậu (25 tuổi, ở xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đi qua bờ tràn Cây Trôm gần nhà để thả lưới cá thì bị nước cuốn trôi. Người dân và gia đình đã tìm được thi thể anh Hậu gần nơi anh bị nạn.Tại Khánh Hòa, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết ông Hà Hương (dân tộc Raglai, 37 tuổi, ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) bị nước cuốn mất tích trên đường đi làm rẫy.Tại Đồng Nai, đến 20g tối qua, ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết đã có ba người bị thương và trên 331 căn nhà bị sập và tốc mái cùng nhiều cây trồng lâu năm bị ngã đổ. Do mưa lớn kèm theo lốc xoáy, nhiều nơi ở huyện Thống Nhất, TP Biên Hòa bị mất điện kéo dài.VĂN KỲ - H.MI* Máy bay không hạ canh được. Sáu máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), gồm bốn máy bay ATR 72 và hai máy bay Airbus A321 đã phải nằm chờ ở sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia) do gió tại sân bay Tân Sơn Nhất giật quá mạnh, không thể hạ cánh được.L.N.* Hơn 450 căn nhà sập và tốc mái. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ĐBSCL, do ảnh hưởng của bão số 1, trong hai ngày 31/3 và 1/4, gió lốc đã làm sập hơn 450 căn nhà của người dân ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ, trong đó có hơn 40 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và cột điện bị gãy đổ. Vĩnh Long là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 321 căn nhà ở 15.VĨNH TRÀ* Mất điện. Đến 19g30 cùng ngày, hầu hết, trên tất cả các địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn bị cúp điện. Theo lãnh đạo các địa phương, hầu hết nơi nào cũng có thiệt hại về tài sản, chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4 bị tốc mái, bị sập và cây công nghiệp, hoa màu bị gãy đổ. Chưa có báo cáo có thiệt hại về người.ĐÔNG HÀ* Kẹt xe do sạt lở. Chiều tối 1-4, tại km47, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, đoạn qua xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), do mưa lớn kéo dài, đất trên núi sạt xuống chắn ngang đường, khiến giao thông tắc nghẽn, hàng chục ôtô chở khách và chở hàng từ Đà Lạt xuống Nha Trang bị mắc kẹt.VĂN KỲ* Hơn 3.000ha lúa bị đổ ngã. Trong đêm 31-3 và sáng ngày 1-4, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa và mưa to, có nơi đến rất to, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Tuy Phước, đến 17g ngày 1-4, mưa lớn kết hợp với gió giật mạnh đã làm trên 3.000ha diện tích lúa Đông - Xuân sắp thu hoạch của bà con trong huyện bị đổ ngã, ngập nước.XUÂN VINHT.THẮNG - Q.KHẢI - B.ÂN - S.LÂM - N.KHẢI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét