Trang

Cải tiến giải báo chí để tôn vinh nghề báo


Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo TP.HCM sáng 14-6 nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN (21-6), 30 năm Giải báo chí TP, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua cho rằng thông qua giải báo chí này, giá trị hoạt động nghề nghiệp phải thật sự được tôn vinh bằng các tác phẩm báo chí.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng

Ngoài yêu cầu tăng tính chủ động, tích cực hơn nữa trong kết nối hoạt động nghề nghiệp, ông Đua đề nghị Hội Nhà báo TP tổ chức đánh giá 30 năm Giải báo chí TP, đồng thời đề ra hướng cải tiến giải nhằm thu hút đông đảo người làm báo tham gia dự giải và nâng chất để giải có giá trị thật sự trong việc khuyến khích, cổ vũ... hoạt động nghề báo.

Theo ông Nguyễn Văn Phùng - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP, các tác phẩm báo chí đoạt giải đã mang lại nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ thiết thực, bổ ích cho các nhà báo trẻ bước vào nghề, nhất là kinh nghiệm viết về điều tra, phóng sự.

Tuy nhiên, một số ý kiến thẳng thắn nói rằng chất lượng Giải báo chí TP những năm gần đây không cao, chưa thu hút được nhiều nhà báo dự thi... Ông Lê Xuân Trung, thư ký chi hội nhà báo Tuổi Trẻ, khẳng định việc tham gia dự giải báo chí không chỉ quan tâm đến giá trị giải thưởng. Nếu giải thưởng mang lại những giá trị tôn vinh nghề nghiệp thật sự thì nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí sẵn sàng gửi tác phẩm dự thi. Tác phẩm và tác giả đoạt giải thưởng cũng khẳng định được danh dự, tên tuổi trong làng báo, chứ không phải dự giải để được nhận nhuận bút thêm lần nữa.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Phạm Phú Tâm đề nghị cần cải tiến thủ tục dự Giải báo chí TP vì thủ tục hiện nay cũng làm các nhà báo ngán ngại gửi tác phẩm dự giải. Có ý kiến đặt vấn đề tại sao Hội Nhà báo TP không hình thành một bộ phận thường trực để theo dõi các tác phẩm báo chí của cả năm và đề xuất hội đồng giám khảo xem xét chọn lựa trao giải những tác phẩm xứng đáng, thay vì lâu nay chỉ xem xét trao giải những tác phẩm được gửi dự thi; các hoạt động của giải còn nặng tính hành chính.

Theo chủ tịch Hội Nhà báo TP Mã Diệu Cương, khi chấm giải thưởng hằng năm (cả giải quốc gia và giải của TP) thường “đóng khung” đối với những tác phẩm báo chí ra đời trong năm tổ chức giải, song thực tế có những tác phẩm báo chí chưa có những hiệu ứng xã hội ngay trong năm đó mà phải một vài năm sau, thậm chí nhiều năm sau tác phẩm đó mới phát huy hiệu ứng xã hội tốt, mới thấy được giá trị của tác phẩm. Do vậy, giải báo chí cần lưu tâm đến góc độ này trong tổ chức giải nhằm ghi nhận kịp thời những tác phẩm, tác giả có đóng góp thật sự đối với xã hội.

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đề nghị nên có giải thưởng riêng cho báo điện tử vì loại hình này đang phát triển mạnh. Ông Lê Xuân Trung đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí chấm giải và mở rộng phạm vi giải thưởng ở tầm khu vực. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn một cây bút tên tuổi trong làng báo để đặt tên cho giải, nhằm thay đổi suy nghĩ giải thưởng chỉ đóng khung trong địa giới hành chính của TP.HCM.

Cũng tại buổi làm việc, phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Huỳnh Dũng Nhân điểm lại những nét nổi bật của Giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 (năm 2012), trong đó nhấn mạnh điểm nổi bật của giải lần này thuộc về một tác phẩm của công trình tập thể, đó là chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ. Hội đánh giá công trình này đã đem lại một hiệu ứng xã hội sâu sắc và lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước, biến tình yêu biển đảo Tổ quốc thành những hành động thiết thực, đó là góp đá để xây dựng cơ sở hạ tầng giúp bộ đội Trường Sa thêm chắc tay súng và đảm bảo điều kiện sống giữa trùng khơi.

* Báo chí đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm - đó là đánh giá của thiếu tướng Trần Bá Thiều, tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, tại hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước” do Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tổ chức tại Hà Nội ngày 14-6. Tại hội thảo, thiếu tướng Trần Bá Thiều khẳng định báo chí truyền thông có vai trò quyết định trong việc tạo dư luận, đấu tranh với việc dung dưỡng cho tội phạm phát triển. Nhiều vụ việc báo chí đăng tải đã giúp các cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý. Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh tố giác tội phạm, góp phần ngăn chặn tội phạm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét