Trang

Kết nạp Đảng 26 chiến sĩ tình nguyện


Chiều 5-8, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP.HCM cùng Bí thư Thành đoàn Nguyễn Văn Hiếu đến thăm, động viên và tặng quà các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh hai Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và ĐH Luật TP.HCM tại huyện Bình Chánh, TP.HCM (ảnh).

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua 

Ông Nguyễn Văn Đua đánh giá cao những công trình nghiên cứu khoa học đã được chiến sĩ ĐH Nông lâm TP.HCM chuyển giao công nghệ giúp bà con địa phương nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Dịp này, ông Nguyễn Văn Đua đã đến dự lễ kết nạp Đảng 26 chiến sĩ Mùa hè xanh của hai trường này.

Bế mạc hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 5


Sau hai ngày làm việc, Hội nghị cán bộ quán triệt, triển khai nghị quyết số 13 - NQ/TW và các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) dành cho các cán bộ chủ chốt TP.HCM đã bế mạc hôm qua 1-8.
Trong ngày làm việc thứ hai, hội nghị đã tiếp tục nghe bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - trình bày kết luận một số vấn đề về tiền lương và định hướng cải cách tiền lương đến năm 2020. Bà Thân Thị Thư - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy - quán triệt nghị quyết một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Trong phần cuối của hội nghị, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đã quán triệt kết luận về tổng kết thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: "Nghị quyết đã có tác động tích cực, tạo chuyển biến trong lĩnh vực đất đai; tăng cường một bước hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Hoàn thành công trình cầu Rạch Chiếc


Khởi công công trình cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức (TPHCM). Gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
(NLĐ) - Sáng 10-7, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2) đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhánh giữa cầu Rạch Chiếc dài 735 m, rộng 26,5 m, gồm 6 làn xe, nằm trên xa lộ Hà Nội. Như vậy, cùng với 2 nhánh biên (đã được thông xe vào tháng 12-2010), cầu Rạch Chiếc có tổng cộng 10 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.010 tỉ đồng.
Lãnh đạo Bộ GTVT, Thành ủy, UBND và LĐLĐ TPHCM gắn biển công trình “Xây dựng mới cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội”
Lãnh đạo Bộ GTVT, Thành ủy, UBND và LĐLĐ TPHCM gắn biển công trình “Xây dựng mới cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội”

Cùng ngày, Khu 2 cũng khởi công dự án cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức, có tổng chiều dài 570 m, rộng 16 m gồm 4 làn xe, nằm lệch về bên phải xa lộ Hà Nội theo hướng TPHCM – Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tổng vốn đầu tư 277 tỉ đồng. Trong tương lai, Khu 2 tiếp tục đầu tư một cầu vượt tương tự tại đây để hình thành hệ thống cầu vượt 8 làn xe nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông tại ngã tư Thủ Đức.
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã công nhận và gắn biển công trình “Xây dựng cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội”. Nghi thức này được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận cùng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Đua tiếp Tổng Thư ký Triều Tiên


Tối 7/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Nguyễn Văn Đua đã có buổi tiếp và chiêu đãi Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên ông Kim Wan Su nhân chuyến thăm TP.
Tại buổi tiếp, ông Kim Wan Su bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ ngày càng tốt đẹp của Ủy ban MTTQ 2 nước nói chung, Tp.HCM nói riêng và mong muốn Thành ủy sẽ tạo điều kiện để đoàn đại biểu UB.MTTQ VN Tp.HCM sớm đến thăm Triều Tiên, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Ông Nguyễn Văn Đua  đánh giá  cao vai trò của Ủy ban MTTQ của 2 nước, đồng thời khẳng định, Thành ủy sẵn sàng tạo điều kiện cho UBMTTQ VN Tp.HCM  thăm và làm việc tại  nước bạn. 

*Trước đó, buổi chiều cùng ngày, ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM cùng Đoàn đại biểu UBMTTQ Tp đã đón tiếp Đoàn Đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên đến thăm và làm việc. Tại buổi tiếp, ông Dương Quan Hà đã bày tỏ tin tưởng chuyến thăm và làm việc của Đoàn Đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên sẽ góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước.  

Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ


Sáng ngày 8/7, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đã tới dự.
Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở thôn Phù Khê Thượng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - nguồn: daidoanket
Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở thôn Phù Khê Thượng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - nguồn: daidoanket

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1938 - 1941, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, là người thông minh, có chí lớn ngay từ khi còn đi học, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi; được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi (năm 1941).

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của dồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta.

Thiết thực học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường XHCN.

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ cắt băng khánh thành và dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại làng Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Cải tiến giải báo chí để tôn vinh nghề báo


Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo TP.HCM sáng 14-6 nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN (21-6), 30 năm Giải báo chí TP, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua cho rằng thông qua giải báo chí này, giá trị hoạt động nghề nghiệp phải thật sự được tôn vinh bằng các tác phẩm báo chí.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng

Ngoài yêu cầu tăng tính chủ động, tích cực hơn nữa trong kết nối hoạt động nghề nghiệp, ông Đua đề nghị Hội Nhà báo TP tổ chức đánh giá 30 năm Giải báo chí TP, đồng thời đề ra hướng cải tiến giải nhằm thu hút đông đảo người làm báo tham gia dự giải và nâng chất để giải có giá trị thật sự trong việc khuyến khích, cổ vũ... hoạt động nghề báo.

Theo ông Nguyễn Văn Phùng - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP, các tác phẩm báo chí đoạt giải đã mang lại nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ thiết thực, bổ ích cho các nhà báo trẻ bước vào nghề, nhất là kinh nghiệm viết về điều tra, phóng sự.

Tuy nhiên, một số ý kiến thẳng thắn nói rằng chất lượng Giải báo chí TP những năm gần đây không cao, chưa thu hút được nhiều nhà báo dự thi... Ông Lê Xuân Trung, thư ký chi hội nhà báo Tuổi Trẻ, khẳng định việc tham gia dự giải báo chí không chỉ quan tâm đến giá trị giải thưởng. Nếu giải thưởng mang lại những giá trị tôn vinh nghề nghiệp thật sự thì nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí sẵn sàng gửi tác phẩm dự thi. Tác phẩm và tác giả đoạt giải thưởng cũng khẳng định được danh dự, tên tuổi trong làng báo, chứ không phải dự giải để được nhận nhuận bút thêm lần nữa.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Phạm Phú Tâm đề nghị cần cải tiến thủ tục dự Giải báo chí TP vì thủ tục hiện nay cũng làm các nhà báo ngán ngại gửi tác phẩm dự giải. Có ý kiến đặt vấn đề tại sao Hội Nhà báo TP không hình thành một bộ phận thường trực để theo dõi các tác phẩm báo chí của cả năm và đề xuất hội đồng giám khảo xem xét chọn lựa trao giải những tác phẩm xứng đáng, thay vì lâu nay chỉ xem xét trao giải những tác phẩm được gửi dự thi; các hoạt động của giải còn nặng tính hành chính.

Theo chủ tịch Hội Nhà báo TP Mã Diệu Cương, khi chấm giải thưởng hằng năm (cả giải quốc gia và giải của TP) thường “đóng khung” đối với những tác phẩm báo chí ra đời trong năm tổ chức giải, song thực tế có những tác phẩm báo chí chưa có những hiệu ứng xã hội ngay trong năm đó mà phải một vài năm sau, thậm chí nhiều năm sau tác phẩm đó mới phát huy hiệu ứng xã hội tốt, mới thấy được giá trị của tác phẩm. Do vậy, giải báo chí cần lưu tâm đến góc độ này trong tổ chức giải nhằm ghi nhận kịp thời những tác phẩm, tác giả có đóng góp thật sự đối với xã hội.

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đề nghị nên có giải thưởng riêng cho báo điện tử vì loại hình này đang phát triển mạnh. Ông Lê Xuân Trung đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí chấm giải và mở rộng phạm vi giải thưởng ở tầm khu vực. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn một cây bút tên tuổi trong làng báo để đặt tên cho giải, nhằm thay đổi suy nghĩ giải thưởng chỉ đóng khung trong địa giới hành chính của TP.HCM.

Cũng tại buổi làm việc, phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Huỳnh Dũng Nhân điểm lại những nét nổi bật của Giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 (năm 2012), trong đó nhấn mạnh điểm nổi bật của giải lần này thuộc về một tác phẩm của công trình tập thể, đó là chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ. Hội đánh giá công trình này đã đem lại một hiệu ứng xã hội sâu sắc và lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước, biến tình yêu biển đảo Tổ quốc thành những hành động thiết thực, đó là góp đá để xây dựng cơ sở hạ tầng giúp bộ đội Trường Sa thêm chắc tay súng và đảm bảo điều kiện sống giữa trùng khơi.

* Báo chí đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm - đó là đánh giá của thiếu tướng Trần Bá Thiều, tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, tại hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước” do Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tổ chức tại Hà Nội ngày 14-6. Tại hội thảo, thiếu tướng Trần Bá Thiều khẳng định báo chí truyền thông có vai trò quyết định trong việc tạo dư luận, đấu tranh với việc dung dưỡng cho tội phạm phát triển. Nhiều vụ việc báo chí đăng tải đã giúp các cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý. Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh tố giác tội phạm, góp phần ngăn chặn tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch tình nguyện hoa phượng đỏ năm 2012


Sáng 9/6, tại Nhà Văn hóa Thanh niên quận 1, TPHCM, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ lần 7-2012. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Văn Rảnh đã đến dự lễ ra quân.
Diễn ra từ ngày 9/6 đến 8/7, Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ thu hút hơn 20.000 học sinh, giáo viên trẻ trên địa bàn toàn TP tham gia, chia làm 454 đội hình tình nguyện. Đặc biệt Chiến dịch năm nay có sự tham gia của 36 du học sinh Lào sẽ cùng tham gia các hoạt động với chiến sĩ tại mặt trận quận 10.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch.

Với khẩu hiệu “Chiến sĩ Hoa phượng đỏ hành động vì an toàn giao thông”, các chiến sĩ sẽ cùng nhau thực hiện ba nội dung chính: “Chiến sĩ hoa phượng đỏ vì đàn em” – gắn với các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi trên địa bàn, tại các huyện ngoại thành và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các nhà mở, mái ấm; “Chiến sĩ hoa phượng đỏ với An toàn giao thông”- gắn với tổ chức tuyên truyền văn hóa giao thông, cam kết thực hiện an toàn giao thông; thiết kế ý tưởng tuyên truyền; “Chiến sĩ Hoa phượng đỏ rèn luyện và trưởng thành” – trang bị kỹ năng thực hành xã hội, tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh; chăm sóc các ba má phong trào, thăm các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương…
Ngay sau lễ ra quân, các chiến sĩ đã tham gia các hoạt động thiết thực theo các nội dung: Tuyên tuyền an toàn giao thông bằng xe đạp hoa trên các tuyến đường TP, tổ chức ngày hội “Vòng tay ấm áp” cho thiếu nhi tại các mái ấm, nhà tình thương… Tại các quận huyện, các chiến sĩ Hoa phượng đỏ đã tổ chức thu gom ve chai gây quỹ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (quận Gò Vấp); tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em mái ấm, nhà mở (quận Thủ Đức); trồng mới khoảng 2.300 cây xanh trong khuôn viên trường học, xếp 3.000 túi giấy, trao đổi đồng phục, tập sách đã qua sử dụng (quận 7)…

Các chiến sĩ diễu hành xe đạp tuyên truyền về an toàn giao thông ngay sau lễ ra quân.
Các chiến sĩ diễu hành xe đạp tuyên truyền về an toàn giao thông ngay sau lễ ra quân.
Tham gia Chiến dịch, học sinh sẽ có những hoạt động thực tế để cảm nhận và chia sẻ với những việc làm khác nhau trong đời sống như: “Một ngày làm nông dân”, “Một ngày làm cảnh sát giao thông”, “Một ngày làm lính cứu hỏa”, “Một ngày làm chiến sĩ”… Bên cạnh đó nhiều diễn đàn về: nghề nghiệp, việc làm, phòng chống bạo lực học đường, giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, trách nhiệm của học sinh đối với gia đình, nhà trường và xã hội… cũng được tổ chức nhằm định hướng thẩm mỹ và nhân cách sống cho học sinh.
Một mùa hè bổ ích đối với các học sinh tham gia Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ 2012.