Trang

Cải tiến giải báo chí để tôn vinh nghề báo


Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo TP.HCM sáng 14-6 nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN (21-6), 30 năm Giải báo chí TP, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua cho rằng thông qua giải báo chí này, giá trị hoạt động nghề nghiệp phải thật sự được tôn vinh bằng các tác phẩm báo chí.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tên lên những viên đá trong lễ chuyển đá xuống tàu Trường Sa 21 ngày 19-9-2011 để xây dựng đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Thuận Thắng

Ngoài yêu cầu tăng tính chủ động, tích cực hơn nữa trong kết nối hoạt động nghề nghiệp, ông Đua đề nghị Hội Nhà báo TP tổ chức đánh giá 30 năm Giải báo chí TP, đồng thời đề ra hướng cải tiến giải nhằm thu hút đông đảo người làm báo tham gia dự giải và nâng chất để giải có giá trị thật sự trong việc khuyến khích, cổ vũ... hoạt động nghề báo.

Theo ông Nguyễn Văn Phùng - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP, các tác phẩm báo chí đoạt giải đã mang lại nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ thiết thực, bổ ích cho các nhà báo trẻ bước vào nghề, nhất là kinh nghiệm viết về điều tra, phóng sự.

Tuy nhiên, một số ý kiến thẳng thắn nói rằng chất lượng Giải báo chí TP những năm gần đây không cao, chưa thu hút được nhiều nhà báo dự thi... Ông Lê Xuân Trung, thư ký chi hội nhà báo Tuổi Trẻ, khẳng định việc tham gia dự giải báo chí không chỉ quan tâm đến giá trị giải thưởng. Nếu giải thưởng mang lại những giá trị tôn vinh nghề nghiệp thật sự thì nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí sẵn sàng gửi tác phẩm dự thi. Tác phẩm và tác giả đoạt giải thưởng cũng khẳng định được danh dự, tên tuổi trong làng báo, chứ không phải dự giải để được nhận nhuận bút thêm lần nữa.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Phạm Phú Tâm đề nghị cần cải tiến thủ tục dự Giải báo chí TP vì thủ tục hiện nay cũng làm các nhà báo ngán ngại gửi tác phẩm dự giải. Có ý kiến đặt vấn đề tại sao Hội Nhà báo TP không hình thành một bộ phận thường trực để theo dõi các tác phẩm báo chí của cả năm và đề xuất hội đồng giám khảo xem xét chọn lựa trao giải những tác phẩm xứng đáng, thay vì lâu nay chỉ xem xét trao giải những tác phẩm được gửi dự thi; các hoạt động của giải còn nặng tính hành chính.

Theo chủ tịch Hội Nhà báo TP Mã Diệu Cương, khi chấm giải thưởng hằng năm (cả giải quốc gia và giải của TP) thường “đóng khung” đối với những tác phẩm báo chí ra đời trong năm tổ chức giải, song thực tế có những tác phẩm báo chí chưa có những hiệu ứng xã hội ngay trong năm đó mà phải một vài năm sau, thậm chí nhiều năm sau tác phẩm đó mới phát huy hiệu ứng xã hội tốt, mới thấy được giá trị của tác phẩm. Do vậy, giải báo chí cần lưu tâm đến góc độ này trong tổ chức giải nhằm ghi nhận kịp thời những tác phẩm, tác giả có đóng góp thật sự đối với xã hội.

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đề nghị nên có giải thưởng riêng cho báo điện tử vì loại hình này đang phát triển mạnh. Ông Lê Xuân Trung đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí chấm giải và mở rộng phạm vi giải thưởng ở tầm khu vực. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn một cây bút tên tuổi trong làng báo để đặt tên cho giải, nhằm thay đổi suy nghĩ giải thưởng chỉ đóng khung trong địa giới hành chính của TP.HCM.

Cũng tại buổi làm việc, phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Huỳnh Dũng Nhân điểm lại những nét nổi bật của Giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 (năm 2012), trong đó nhấn mạnh điểm nổi bật của giải lần này thuộc về một tác phẩm của công trình tập thể, đó là chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ. Hội đánh giá công trình này đã đem lại một hiệu ứng xã hội sâu sắc và lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước, biến tình yêu biển đảo Tổ quốc thành những hành động thiết thực, đó là góp đá để xây dựng cơ sở hạ tầng giúp bộ đội Trường Sa thêm chắc tay súng và đảm bảo điều kiện sống giữa trùng khơi.

* Báo chí đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm - đó là đánh giá của thiếu tướng Trần Bá Thiều, tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, tại hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước” do Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tổ chức tại Hà Nội ngày 14-6. Tại hội thảo, thiếu tướng Trần Bá Thiều khẳng định báo chí truyền thông có vai trò quyết định trong việc tạo dư luận, đấu tranh với việc dung dưỡng cho tội phạm phát triển. Nhiều vụ việc báo chí đăng tải đã giúp các cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý. Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh tố giác tội phạm, góp phần ngăn chặn tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch tình nguyện hoa phượng đỏ năm 2012


Sáng 9/6, tại Nhà Văn hóa Thanh niên quận 1, TPHCM, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ lần 7-2012. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Văn Rảnh đã đến dự lễ ra quân.
Diễn ra từ ngày 9/6 đến 8/7, Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ thu hút hơn 20.000 học sinh, giáo viên trẻ trên địa bàn toàn TP tham gia, chia làm 454 đội hình tình nguyện. Đặc biệt Chiến dịch năm nay có sự tham gia của 36 du học sinh Lào sẽ cùng tham gia các hoạt động với chiến sĩ tại mặt trận quận 10.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao cờ lệnh cho Ban chỉ huy chiến dịch.

Với khẩu hiệu “Chiến sĩ Hoa phượng đỏ hành động vì an toàn giao thông”, các chiến sĩ sẽ cùng nhau thực hiện ba nội dung chính: “Chiến sĩ hoa phượng đỏ vì đàn em” – gắn với các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi trên địa bàn, tại các huyện ngoại thành và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các nhà mở, mái ấm; “Chiến sĩ hoa phượng đỏ với An toàn giao thông”- gắn với tổ chức tuyên truyền văn hóa giao thông, cam kết thực hiện an toàn giao thông; thiết kế ý tưởng tuyên truyền; “Chiến sĩ Hoa phượng đỏ rèn luyện và trưởng thành” – trang bị kỹ năng thực hành xã hội, tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh; chăm sóc các ba má phong trào, thăm các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương…
Ngay sau lễ ra quân, các chiến sĩ đã tham gia các hoạt động thiết thực theo các nội dung: Tuyên tuyền an toàn giao thông bằng xe đạp hoa trên các tuyến đường TP, tổ chức ngày hội “Vòng tay ấm áp” cho thiếu nhi tại các mái ấm, nhà tình thương… Tại các quận huyện, các chiến sĩ Hoa phượng đỏ đã tổ chức thu gom ve chai gây quỹ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (quận Gò Vấp); tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em mái ấm, nhà mở (quận Thủ Đức); trồng mới khoảng 2.300 cây xanh trong khuôn viên trường học, xếp 3.000 túi giấy, trao đổi đồng phục, tập sách đã qua sử dụng (quận 7)…

Các chiến sĩ diễu hành xe đạp tuyên truyền về an toàn giao thông ngay sau lễ ra quân.
Các chiến sĩ diễu hành xe đạp tuyên truyền về an toàn giao thông ngay sau lễ ra quân.
Tham gia Chiến dịch, học sinh sẽ có những hoạt động thực tế để cảm nhận và chia sẻ với những việc làm khác nhau trong đời sống như: “Một ngày làm nông dân”, “Một ngày làm cảnh sát giao thông”, “Một ngày làm lính cứu hỏa”, “Một ngày làm chiến sĩ”… Bên cạnh đó nhiều diễn đàn về: nghề nghiệp, việc làm, phòng chống bạo lực học đường, giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, trách nhiệm của học sinh đối với gia đình, nhà trường và xã hội… cũng được tổ chức nhằm định hướng thẩm mỹ và nhân cách sống cho học sinh.
Một mùa hè bổ ích đối với các học sinh tham gia Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ 2012.

Phát động cuộc sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định”


Sáng 7-6, tại Hội trường TPHCM đã diễn ra lễ phát động cuộc sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” do ban tổ chức cuộc vận động sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” - Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức.

Cuộc vận động sáng tác dành cho tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước. Các tác phẩm tham gia, hưởng ứng cuộc vận động là tác phẩm mới, chưa đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dung lượng khoảng 600 chữ, trình bày trên khổ giấy A4, phông chữ Times New Roman, cỡ 14. Thời gian bắt đầu nhận bài từ ngày 1-9 đến 31-12, tại số 127 Trương  Định, quận 3 - TPHCM.

Phát biểu tại cuộc vận động, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, khẳng định: “Cuộc vận động sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tinh thần yêu nước, cách mạng, bất khuất, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của nhân dân và lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định, những tấm gương tiêu biểu và truyền thống anh hùng của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM”.

Kỷ niệm 101 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước


Sáng 5/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP Hồ Chí Minh), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 101 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2012).

Các đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Dương Quan Hà, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh; các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; lãnh đạo các Sở, ngành thành phố; nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và đông đảo nhân dân thành phố.
Các đại biểu tham dự buổi lễ đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác, tham quan triển lãm, trưng bày hiện vật, hình ảnh về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh nêu rõ, cách đây 101 năm, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) với lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân vô hạn đã đi ra nước ngoài, mang theo trong mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, cứu dân tộc.

Đây là một sự kiện lớn, một cột mốc đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang, mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại của dân tộc Việt Nam - hành trình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với sự khổ công học tập và rèn luyện, hòa mình vào với lớp người lao động nghèo khổ, tham gia tích cực đấu tranh chống áp bức, bóc lột, với tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo, một nghị lực phi thường, Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính, dấn thân đấu tranh vì mục đích cao đẹp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tham dự buổi lễ - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tham dự buổi lễ - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Người đã truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước, mở ra một giai đoạn cách mạng mới cho dân tộc, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã vươn lên thành người làm chủ đất nước, dân tộc ta được bình đẳng trong cộng đồng quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thành Rum khẳng định, hơn 100 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước nhưng ý nghĩa to lớn của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng luôn rèn luyện và nêu cao khí phách bất khuất, sẵn sàng xả thân vì nước, một lòng theo Đảng, cùng nhân dân cả nước góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo con đường của Bác đã chọn.

Khai mạc ngày hội Tuổi trẻ TPHCM với môi trường lần III năm 2012


Sáng 3/6, Thành Đoàn TPHCM đã tổ chức ngày hội Tuổi trẻ TP với môi trường lần III năm 2012. Ông Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Văn Rảnh - Ủy viên thường vụ Thành ủy – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP; ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành Đoàn TP đã đến dự.
Tham gia ngày hội, các bạn đoàn viên, hội viên, thanh niên TP đã cùng diễu hành xe đạp cổ động môi trường tại các điểm dân cư, ký túc xá, vận động người dân đi lại bằng xe đạp, xe buýt, hạn chế đi xe máy; thực hiện ngày chủ nhật xanh đồng loạt tại 24 quận huyện với điểm nhấn là việc xóa biển quảng cáo trái phép, dọn dẹp vệ sinh công viên, phát hoang các bụi rậm, khơi thông các kênh nước đen… Bên cạnh đó, các bạn còn tham gia  trồng 8.500 cây xanh, phát 9.000 tờ bướm, vẽ trên 150 bức tranh tuyên truyền vì TP xanh – sạch – đẹp. 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Phong – Phó Bí thư Thành Đoàn TP – Chủ tịch Hội Sinh viên TP cho biết: Ngày hội nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6 và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sự sáng tạo và trách nhiệm của Thanh niên TP trong việc tham gia bảo vệ và xây dựng môi trường TP xanh – sạch – đẹp