Trang

Khắc phục thiệt hại do bão số 1


Ngày 1/4, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến tối 1/4, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Sơ tán người dân Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vào nơi an toàn
Sơ tán người dân Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vào nơi an toàn. - Ảnh: SGGP


Do ảnh hưởng của bão số 1, ở thành phố Phan Thiết đã có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); La Gi (Bình Thuận) có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9); Phú Quý có gió giật 20m/s (cấp 8); TP. Vũng Tàu có gió giật 18m/s (cấp 8)…
Lượng mưa đo được ở các tỉnh ven biển nam Trung Bộ, Nam Bộ và Nam Tây Nguyên phổ biến trong khoảng 50 – 150mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Nha Trang 180mm; Phan Rang (Ninh Thuận) 156mm; MĐrăk (Đắc Lắc) 187mm; đảo Phú Quý 182mm; Vũng Tàu 231mm; Long Khánh (Đồng Nai) 208mm..…

Hồi 22 giờ ngày 1/4, vị trí trung tâm vùng áp thấp vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Trong 12 giờ tiế theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 1 này.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại

Khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 16 giờ ngày 1/4, bão số 1 đổ bộ vào địa bàn đã làm bị thương 3 người ở thành phố Vũng Tàu, huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa; làm sập hoàn toàn 23 căn nhà, trong đó, chủ yếu là thị xã Bà Rịa với 12 căn.
Ngoài ra, bão số 1 còn làm tốc mái 140 căn nhà, trong đó, thị xã Bà Rịa cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 102 căn, huyện Long Điền 30 căn; 8 trụ điện bị đổ.

Hiện các cơ quan chức năng tại địa phương đang tích cực dọn dẹp, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.

Do được chuẩn bị chu đáo, tàu thuyền được bố trí hợp lý, neo buộc chắc chắn tại các khu neo đậu nên không có thiệt hại.

Từ khoảng 19 giờ, trên địa bàn toàn tỉnh đã dứt mưa nhưng hiện vẫn còn gió khá lớn. Tuy bão đã qua nhưng đề phòng mưa lớn sau bão có thể gây ngập lụt, lở đất, các các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai các biện pháp ứng cứu.

Miền Bắc nắng đẹp

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, trong ngày 2/4, lưỡi áp cao lạnh lục địa chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua tiếp tục suy yếu nên khu vực này sẽ có nắng đẹp vào trưa và chiều, nhiệt độ tăng nhanh.

Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn chịu sự ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp do cơn bão số 1 suy yếu nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. 

Tại Bình Dương, tối 1/4, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh do ảnh hưởng bão số 1 khiến nhiều khu vực bị mất điện.

Theo ông Trương Công Thạch, Phó phòng Kinh tế, thị xã Thuận An cho biết, trên địa bàn 2 xã Bình Nhâm, An Sơn và thị trấn Lái Thiêu đã xảy ra gió mạnh làm gãy đổ nhiều vườn cây ăn trái đang vào mùa trổ bông, trong đó nhiều cây măng cụt cả trăm năm tuổi có giá trị bị hư hại. Hiện mọi thiệt hại đang được thống kê. 

Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo khẩn các huyện, thị tăng cường đề phòng gió xoáy cục bộ trong đất liền.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, áp thất nhiệt đới đã gây một số thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Cần Giờ, đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 2 căn nhà bị sập, 13 căn nhà bị tốc mái, 7 chiếc ghe bị chìm và một chiếc ghe bị trôi. Trên tuyến đường Tỉnh lộ 25B, quận 2 do Bến phà Cát Lái (nối liền giữa quận 2 và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tạm ngưng hoạt động đã bị kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài hàng km.

Ngay sau khi lượng mưa và gió suy giảm, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban chi huy Phòng chống lụt bão vả Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cũng lãnh đạo huyện Cần Giờ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại.

Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, mưa lớn đã làm 4.000 ha lúa Đông Xuân tại 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát chưa kịp thu hoạch bị ngã đỗ nặng. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cho các địa phương huy động lực lượng tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa nhanh gọn.

Tại Phú Yên, hiện chưa có số liệu chính thức từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, nhưng bước đầu thống kê tại một số địa phương thuộc vùng trọng điểm lúa tỉnh Phú Yên cho thấy thiệt hại là đáng kể. Tại huyện Phú Hòa, ít nhất 700 ha trong số 5.520 ha bị ngã đổ; tại huyện Đông Hòa có ít nhất 1.000 ha lúa nằm ở vùng trũng chiếm gần 22% diện tích lúa đông xuân toàn huyện cũng bị ngã đổ…

Tại Kiên Giang, do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, vừa có lợi cho phòng chống cháy rừng mùa khô và xuống giống vụ hè thu sớm, vừa gây khó khăn cho thu hoạch lúa đông xuân muộn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét