"Càng tự hào về thành quả vĩ đại của cách mạng, chúng ta càng khắc cốt, ghi tâm công lao, xương máu của bao thế hệ đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các anh hùng liệt sĩ, những chàng trai, cô gái đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định, góp phần tô thắm làm cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay ngày thêm rạng rỡ".
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu tại lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 126 năm Ngày quốc tế lao động, diễn ra tại Hội trường TP.HCM sáng 29-4.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT - Ảnh: Minh Đức |
Đến dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, các vị lão thành cách mạng, mẹ VN anh hùng, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nhân sĩ, trí thức, đông đảo các bạn trẻ... Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, sáng cùng ngày, đoàn lãnh đạo TP.HCM đã đến viếng, đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ TP và nghĩa trang TP.
Diễn văn của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quê hương được giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, đoàn tụ, sum họp một nhà, đây là thắng lợi của niềm tin, của công lý, là thành quả đấu tranh gian khổ, lâu dài với bao hi sinh của quân và dân cả nước. Ông Lê Hoàng Quân nói: "Giờ đây, chúng ta càng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang ấy trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ TP, mà trước hết là chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội"...
Diễn văn của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng nêu rõ tinh thần bất diệt của Ngày quốc tế lao động 1-5, khẳng định sự trân trọng, lòng biết ơn đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời khẳng định vai trò của những người lao động được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu của đại diện những cựu chiến binh TP và đại diện của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn TP đều khẳng định niềm tin vào sự phát triển của đất nước, của TP.HCM trong tương lai; tiếp tục phát huy, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ba tập thể: tiểu đoàn bộ binh 3, trung đoàn Gia Định; Ban trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; tiểu đoàn 2, trung đoàn 268, Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao cho đại diện gia đình sáu liệt sĩ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được truy tặng trong đợt này, gồm các liệt sĩ: Trang Văn Học (nguyên trưởng ban quân sự Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định); Lê Văn Nghề (nguyên đội phó đội võ trang Đoàn ủy học sinh, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Nguyễn Sơn Hà (nguyên ủy viên Ban thường vụ Đoàn ủy học sinh, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Võ Thị Lớn (nguyên chiến sĩ lực lượng võ trang biệt động Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Đàm Thanh Quang (nguyên chiến sĩ lực lượng võ trang biệt động Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Nguyễn Thị Đen (Huệ) - nguyên chiến sĩ y tá huyện Duyên Hải (nay là Ban chỉ huy quân sự huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao cờ thi đua dẫn đầu năm thành phố trực thuộc trung ương năm 2011 của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước; 60 nghệ sĩ được truy tặng, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Trong đó ông Nguyễn Văn Đua - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
* Ngày 29-4, ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2012), tại thị trấn Trường Sa và hai xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây cũng như trụ sở HĐND, UBND huyện trên đất liền đều tổ chức lễ mittinh, đồng thời phát động đợt thi đua nhân sự kiện này.
Cách đây 37 năm, Quân chủng hải quân đã mở cuộc tấn công thần tốc, nhanh chóng giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Từ sau ngày giải phóng đến nay, cùng với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước, cán bộ, quân và dân huyện Trường Sa đã không ngừng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh, phát triển mọi mặt.