Tối 9-8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã đi thực tế, kiểm tra tại 3 địa điểm (gồm nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhà thuốc Bệnh viện Từ Dũ và nhà thuốc Eco Hai Bà Trưng) kinh doanh, phân phối các loại thuốc Tây nằm trong chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 của TP.
Giá nhiều loại thuốc rẻ hơn so với giá quy định
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Trần Quyết Tiến cho biết, ngay sau khi nhận quyết định của UBND TP về kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá các loại thuốc Tây sản xuất trong nước, ban giám đốc triển khai rất chi tiết, cụ thể đến từng phòng khám, từng bác sĩ của bệnh viện. Tại mỗi phòng khám có thêm một thư ký y khoa để hỗ trợ bác sĩ trong việc thực hiện chuyên môn.
Theo đó, kết thúc một ngày làm việc, phòng hành chính tổng hợp có nhiệm vụ thống kê lại số lượng các đơn thuốc, các bệnh nhân để thực hiện việc bình toa thuốc vào đầu giờ sáng hôm sau. Tiêu chí của việc bình toa thuốc là nhằm đánh giá lại việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân có hợp lý cả về giá bán lẫn chất lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân hay không.
Cách làm này giúp ban giám đốc nắm bắt được tiến độ triển khai việc đưa thuốc bình ổn vào các toa thuốc. Trong trường hợp những loại thuốc sản xuất trong nước giá rẻ, chất lượng tốt mà không đưa vào toa thay thế dần thuốc ngoại thì bác sĩ đó sẽ bị xử lý.
Cũng theo bác sĩ Quyết Tiến, đến thời điểm này việc triển khai đang gặp nhiều thuận lợi. Doanh thu từ thuốc bình ổn đã tăng từng tháng. Số lượng toa thuốc có sử dụng thuốc bình ổn cũng đang có những tiến triển rất tốt.
Dược sĩ Trần Đăng Trình, Phó khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thêm, trong 45 mặt hàng thuốc bình ổn, bệnh viện mới chỉ sử dụng thường xuyên hơn 10 mặt hàng. Trong số hơn 700 loại thuốc đang bán tại 4 nhà thuốc của bệnh viện, thuốc ngoại hiện chiếm khoảng 70%, số còn lại là của các DN trong nước.
Lý giải về tỷ lệ này, dược sĩ Trình cho biết, do Chợ Rẫy là bệnh viện thuộc tuyến 4 (tuyến cuối cùng), chủ yếu đón nhận những người bệnh nặng, thậm chí cùng một lúc trong người mang nhiều loại bệnh khác nhau nên khi kê đơn, các bác sĩ thường dùng các loại thuốc đặc trị còn các loại thuốc bình ổn chủ yếu là các loại thuốc thông thường như ho, cảm, sốt và điều trị bệnh mãn tính.
Theo đánh giá của dược sĩ Trình, trong 10 loại thuốc bình ổn dùng thường xuyên tại bệnh viện đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu về mẫu mã, chất lượng so với thuốc của Ấn Độ, Hàn Quốc nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều.
Tương tự, tại nhà thuốc Bệnh viện Từ Dũ, thuốc nội sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% trong tổng số 350 loại thuốc đang bày bán. Riêng thuốc bình ổn chiếm khoảng 15% trong phân khúc thuốc nội và chiếm khoảng hơn 2% trong tổng doanh thu nhà thuốc. Hiện Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cùng một lúc triển khai nhiều biện pháp để tiếp tục nâng tỷ trọng cũng như doanh thu từ thuốc bình ổn nhằm tiết giảm chi phí cho bệnh nhân.
Tại điểm kiểm tra cuối cùng, nhà thuốc Eco Hai Bà Trưng – một trong 13 nhà thuốc của hệ thống, cả 45 loại thuốc bình ổn đã được bày bán đầy đủ. Nhà thuốc cũng dành một khu vực riêng để tư vấn cho người mua về các loại thuốc, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là quảng bá, giới thiệu và tư vấn để người dân ngày càng hiểu rõ hơn về thuốc bình ổn. Doanh thu từ thuốc bình ổn sau 2 tháng triển khai đã tăng 12% – 15% so với thời điểm trước đó.
Và điều bất ngờ, ngoài việc giá thuốc bình ổn thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, còn có không ít mặt hàng giá bán tiếp tục thấp hơn so với mức giá được Sở Y tế đưa ra. Chẳng hạn, thuốc Omeprazol giá bình ổn 798 đồng/viên, trong khi giá bán tại hầu hết các điểm kiểm tra chỉ 734 đồng/viên…
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Kết thúc buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành và các DN trong việc triển khai chỉ đạo của Thành ủy về thực hiện công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu nói chung và chương trình bình ổn giá thuốc Tây sản xuất trong nước nói riêng. Cách làm này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của TPHCM trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc quan tâm, chăm sóc đến bữa ăn hàng ngày, đến sức khỏe của người dân. Đồng chí ghi nhận sự nỗ lực từ các bệnh viện, các nhà thuốc trên địa bàn TP trong việc tiết giảm chi phí, hoàn thiện trong quản lý để có được giá bán các loại thuốc bình ổn thấp hơn so với quy định.
Chương trình bình ổn giá các loại thuốc Tây đã tạo một sức hút rất lớn không chỉ trong giới sản xuất dược phẩm, các bác sĩ điều trị mà ngay cả người dân ngày càng quan tâm tới lợi ích thiết thực của mình. Chương trình này cho thấy chúng ta đang tiến dần tới việc hưởng ứng một cách đồng bộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Về công việc cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua yêu cầu UBND TP, các sở ngành chức năng tiếp tục làm việc với các bệnh viện, các nhà thuốc để nắm sát hơn nhu cầu sử dụng, từ đó nghiên cứu, mở rộng và đưa vào danh mục bình ổn các loại thuốc điều trị chuyên sâu, trong đó chú trọng các loại thuốc dành riêng cho một số bệnh viện chuyên khoa về nhi, sản… Đối với các bệnh viện, cần học hỏi mô hình của Bệnh viện 115 về triển khai đưa thuốc nội vào điều trị, trong đó có sự phân tích, so sánh về giá cả cũng như chất lượng để các bác sĩ phải chú ý trong việc kê đơn.
“Chương trình triển khai bình ổn giá thuốc còn rất mới mẻ và để thay đổi thói quen kê đơn thuốc của các bác sĩ từ thuốc ngoại sang thuốc nội cần phải có thời gian nhất định. Do vậy, để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, bên cạnh sự nỗ lực của ban giám đốc các bệnh viện, của từng y bác sĩ thì rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội” – đồng chí Nguyễn Văn Đua kết luận.
THÚY HẢI – TƯỜNG LÂM
(Theo website Nguyễn Văn Đua)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét