Việc người Trung Quốc đưa bản đồ thể hiện yêu sách đường lưỡi bò lên các ấn phẩm khoa học quốc tế, chẳng hạn các tạp chí Science và Nature, được hiểu là một phần của kế hoạch độc chiếm biển Đông. Tiến sĩ Dương Danh Huy trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.
* Theo ông, tại sao một tạp chí uy tín như Science lại đăng bản đồ như vậy? Phải chăng đội ngũ bình duyệt của họ không biết về tranh chấp biển Đông?
Người bình duyệt cho một bài trên Science là những chuyên gia trong lãnh vực của bài đó chứ không nhất thiết am tường về tranh chấp lãnh thổ. Khả năng là họ từng nghe đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khó đòi hỏi họ quen thuộc với những tranh chấp này, hay nhất là đòi hỏi họ tự thấy ngay ý nghĩa của các bản đồ lưỡi bò. Vì vậy, tôi nghĩ đó là do sơ suất.
Vào năm 2008, ngay cả Hội đồng Olympic quốc tế, một cơ quan đáng lẽ phải có kiến thức về quan hệ quốc tế và tuyệt đối trung lập về tranh chấp lãnh thổ, cũng sơ suất để Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò lên bản đồ rước đuốc Olympic.
Nhưng bản thân chúng ta, bao gồm người dân và Nhà nước, là những người có trách nhiệm chính. Mình muốn người ta biết thì mình phải nói.
* Theo ông , vệc đăng bản đồ có đường lưỡi bò trên các tạp chí khoa học quốc tế như vậy gây ra cho Việt Nam (và cả những nước liên quan khác) những hiểm họa gì?
Việc gửi bản đồ có đường lưỡi bò đến các tạp chí khoa học không đơn giản là một chiến thuật mới mà là hệ quả tất nhiên từ chính sách có tính toán của Trung Quốc.
Thứ nhất, cách đây vài năm, nếu tôi nhớ không lầm thì là 2007, Trung Quốc ra chỉ thị tất cả các bản đồ Trung Quốc phải có đường lưỡi bò. Như vậy, khi một nhà khoa học dùng bản đồ Trung Quốc cho công trình của mình thì khả năng là nó sẽ có đường lưỡi bò.
Thứ nhì, chính sách của Trung Quốc là quảng bá cho đường lưỡi bò. Ví dụ năm 2008, Trung Quốc đã cho đường lưỡi bò vào bản đồ rước đuốc Olympic, và anh Lê Minh Phiếu, một người được chọn rước đuốc, đã viết thư đến Hội đồng Olympic quốc tế để phản đối. Trong một số quả địa cầu của các nhà xuất bản Âu, Mỹ thì các nhà gia công Trung Quốc cũng chèn đường lưỡi bò vào. Như vậy, việc Trung Quốc lạm dụng các kênh học thuật nói riêng, hay tất cả những kênh khác, để quảng bá đường lưỡi bò là việc chúng ta phải biết là sẽ xảy ra.
Trước hết, những điều Trung Quốc làm là nhằm bình thường hóa đường lưỡi bò, vốn là một thứ bất thường và vô lý, trong nhận thức của thế giới. Thứ nhì, Trung Quốc sẽ nói rằng những ấn phẩm với đường lưỡi bò là sự công nhận của thế giới, và nói rằng không phản đối là thừa nhận. Thứ ba, chiến lược của Trung Quốc là chiếm biển Đông bằng kiểm soát trên thực tế, và quảng bá đường lưỡi bò sẽ góp phần tạo ấn tượng là Trung Quốc có kiểm soát trên thực tế. Tất cả những điều này đều có hại cho Việt Nam.
* Chúng ta phải làm gì để chặn việc quảng bá đường lưỡi bò trên các ấn phẩm và phương tiện khác ở tầm quốc tế? Hay chỉ đơn giản là “săn tìm” và lên tiếng?
Chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng để “phòng cháy”, “phát hiện”, và “chữa cháy”. “Phát hiện” thì chúng ta có gần 100 triệu người Việt trong nước và nhiều triệu người ở nước ngoài. Sau khi “phát hiện” thì cách “chữa cháy” hiệu nghiệm nhất là một cơ quan có thẩm quyền viết thư yêu cầu chỉnh sửa thông tin sai trái. Song song đó, cơ quan này phải “phòng cháy” bằng cách lưu ý đối tượng về rủi ro liên quan tới thông tin sai trái và nguyên tắc xử lý.
Cơ sở hạ tầng cho công việc trên chỉ cần một website hay địa chỉ e-mail và một vài nhân viên làm bán thời gian cho cơ quan nói trên để yêu cầu chỉnh sửa những thông tin sai trái. Ngoài ra, chúng ta phải “phòng cháy” rộng rãi hơn bằng cách nâng cao ý thức và kiến thức trên thế giới về Hoàng Sa, Trường Sa, về tranh chấp biển Đông.
Đỗ Hùng
(Theo Thanhnien)
(Theo website Nguyễn Văn Đua)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét