Trang

Phó Bí thư Nguyễn Văn Đua thị sát thực địa chuẩn bị thông xe hầm Thủ Thiêm


Sáng nay, 29-10, các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên  Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng , Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm Chủ tịch HĐND TPHCM cùng Phó Bí thư Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch và sở ban ngành đã đi kiểm tra thực địa công trình hầm Thủ Thiêm trước khi thông xe (ngày 20-11). Đoàn đã đi bộ xuyên qua đường hầm và kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy, đường thoát hiểm, ánh sáng, quạt thông gió, trung tâm vận hành đường hầm, đường nối…

Báo cáo nhanh tại công trình, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị cho biết, đến nay cơ bản mọi việc đã hoàn tất. Về kỹ thuật công trình cũng như các hướng dẫn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, hồ sơ pháp lý, nghiệm thu bàn giao và một số vấn đề liên quan. Tất cả các công đoạn còn lại nhà thầu sẽ hoàn thành trước ngày 20-11.Sửa chữa thấm hầm sẽ hoàn tất trong vài ngày tới. Những đoạn nhựa mặt đường trồi lên sẽ xử lý trước ngày 10-11 để đảm bảo an toàn giao thông. Hiện tượng lún Hầm chữ U đã ổn định.

    Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố đi kiểm tra bên trong hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Kim Ngân

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố đi kiểm tra bên trong hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Kim Ngân

Hội đồng nghiệm thu nhà nước, tư vấn OC và nhà thầu Obayashi cùng tư vấn độc lập tiếp tục quan trắc và tiến hành các bước để xác định nguyên nhân và khắc phục triệt để tình trạng trồi nhựa tại khu vực nút giao Lương Định Của quận 2 cũng như đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến hầm Thủ Thiêm từ nay đến đầu năm 2012.

Từ nay đến ngày thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây, Ban Quản Lý cùng tư vấn, nhà thầu và các đơn vị thi công tập trung hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình dự án kỹ thuật chất lượng theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Quản lý, khai thác, vận hành an ninh, an toàn hiệu quả đường hầm. Ban quản lý tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tư vấn giám sát, nhà thầu và phối hợp các đơn vị tập trung xử lý các vấn đề kỹ thuật và nhà thầu đã kiểm tra toàn bộ các hạng mục trong hầm. Tóm lại, mọi việc đã sẳn sàng cho lưu thông toàn tuyến đại lộ Đông tây.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, kế hoạch tổ chức lễ thông xe hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến đại lộ Đông  Tây vào ngày 20-11-2011. Buổi lễ sẽ được tổ chức ở khu vực đầu hầm dẫn phía Thủ Thiêm quận 2 (sân khấu chính) và khu vực đầu hầm dẫn phía quận 1 (sân khấu phụ). Dự kiến khoảng 500 khách mời là lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, TP và lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, các Lãnh sự quán tại TP, các tập đoàn đầu tư nước ngoài và đại diện các đoàn thể, nhân dân đã có công đóng góp cho việc xây dựng tuyến đường đại lộ Đông Tây hoàn thành.

Thành đoàn TNCSHCM sẽ tổ chức cuộc đi bộ của 2.500 thanh niên xuyên qua hầm dài 1,5 km, các đoàn viên thanh niên sẽ kết hợp với lực lượng TNXP làm vệ sinh và trồng cây ở 2 đầu hầm. Chương trình đi bộ nhằm thể hiện ý chí, quyết tâm của thanh niên TP mang thông điệp hướng về sự kết nối giữa quá khứ hào hùng với tương lai hiện tại của TP, khẳng định bản lĩnh, tầm nhìn và quyết tâm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của Đảng bộ và nhân dân TP.

Sau khi đi kiểm tra tất cả các hạng mục công trình hầm và trao đổi với các đơn vị liên quan, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị tập hợp báo cáo lãnh đạo TP cụ thể toàn bộ công trình trước khi thông xe. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, hiện nay đường hầm vượt sông Sài Gòn này đang là công trình xây dựng lớn nhất và kỹ thuật xây dựng cũng như sau khi đưa vào khai thác phải tuyệt đối bảo đảm an toàn từng chi tiết một.

Hầm Thủ Thiêm đã sẵn sàng cho ngày thông xe vào ngày 20-11. Ảnh: Kim Ngân

Hầm Thủ Thiêm đã sẵn sàng cho ngày thông xe vào ngày 20-11. Ảnh: Kim Ngân

Thành ủy và UBND TP đánh giá cao đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của nhà thầu, đơn vị tư vấn và Ban quản lý dự án đã thi công hầm Thủ Thiêm đúng tiến độ, an toàn và chất lượng. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và các đơn vị tiếp tục hoàn tất mọi công việc còn lại để khi thông xe tuyệt đối an toàn. Ông đặc biệt lưu ý từ nay đến ngày thông xe cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phải kiểm soát chặt vấn đề xe quá tải, vì đây là vấn đề liên quan đến an toàn tính mạng của người dân. Ban an toàn giao thông kiểm tra thật kỹ về các vấn đề an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm vì đây là công trình có quy mô rất lớn và tính kỹ thuật rất cao lần đầu tiên tại TPHCM. Vấn đề quan trọng hàng đầu TP yêu cầu là công trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn, mỹ quan và kỹ thuật phải tốt. Bí thư yêu cầu, từ nay đến ngày thông xe cần phải xử lý các vấn đề sau: khi công trình đưa vào khai thác nhất quyết phải đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối, phân luồng giao thông  sao cho thông thoáng hơn chứ không thể để ùn tắc khi chưa có hầm, khẩn trương hoàn thiện các công trình phụ trợ để phát huy hết công năng của công trình này…

Đặc biệt, lễ thông xe cần phải có sự tham gia đông đảo của người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án này, đây là công trình phục vụ cho nhân dân vì vậy người dân bị giải tỏa là người được chung vui trên công trình này. Ngoài ra, trước ngày thông xe, TP phải đảm bảo tính pháp lý theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hồi đồng nhà nước. Làm sao khi công trình đưa vào vận hành phải đảm bảo thủ tục, pháp lý… Tất cả biển báo, cột đèn, màu sơn theo tiêu chuẩn quốc tế. .

Cùng ngày, đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra việc thi công dự án đường Tân Sơn Nhât-Bình Lợi- Vành đai ngoài.

Q.Hùng-L.Thiện

 


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cung cấp thông tin chính thống


Ngày 27/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký văn bản số 7568/VPCP-TH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.

Một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.

Một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.

Thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm thực hiện việc tổ chức họp báo, chủ động tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu được thông tin kịp thời, chính thống của báo chí, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn không ít cơ quan thực hiện công tác phát ngôn và phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, chưa thường xuyên; người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và người được cử làm Người phát ngôn chưa chủ động, thậm chí có trường hợp còn né tránh việc cung cấp thông tin, nhất là các vấn đề được dư luận rộng rãi quan tâm hoặc cần định hướng, dẫn đến tình trạng phải thụ động cung cấp thông tin giải thích, đính chính.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát ngôn và phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1390/QĐ-TTg ngày 29/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các cơ quan nhà nước cử Người phát ngôn có đủ trách nhiệm, phẩm chất, kỹ năng tổng hợp xử lý thông tin;

Hàng tháng tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thống kịp thời, chính xác, minh bạch (trừ các thông tin mật được pháp luật quy định), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí nắm bắt thông tin chính thống tuyên truyền kịp thời, đưa tin chính xác trên các phương tiện thông tin truyền thông; tăng cường sử dụng hình thức thông cáo báo chí, giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Công Thông tin điện tử Chính phủ;

Khi có vấn đề thuộc bộ, ngành, địa phương mình được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng, người đứng đầu, cấp phó được ủy quyền hoặc Người phát ngôn chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí;

Cử cán bộ có trách nhiệm, đủ thẩm quyền cung cấp thông tin đầy đủ tại giao ban báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì khi được Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 và Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1390/QĐ-TTg ngày 29/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp nhằm đưa công tác phát ngôn và phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí đạt kết quả cao, bảo đảm quyền được thông tin của tổ chức, công dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội. Kết quả tổng kết, sơ kết các Quyết định nêu trên cùng các kiến nghị phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2011.

(TTXVN/Vietnam+)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Sử học có vai trò làm nên cốt cách người Việt Nam


Tối ngày 22/10, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất và công bố Quỹ Phát triển sử học Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự buổi lễ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Thành lập năm 1966, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trải 6 qua nhiệm kỳ đại hội, thu hút gần 4.000 hội viên sinh hoạt tại 51 hội thành viên, có mặt tại nhiều cơ quan nghiên cứu, tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu, Hội đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử đất nước, thế giới, lịch sử ngành, địa phương. Những kết quả nghiên cứu của Hội đã cung cấp luận chứng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ đất nước.

Hội cũng phối hợp với các bộ, ngành phổ cập tri thức sử học, đưa các nội dung mới vào giảng dạy trong trường học. Trước tình trạng việc dạy và học môn sử có biểu hiện sa sút, Hội đã nghiên cứu nghiêm túc, đề xuất giải pháp khả thi, được chấp nhận. Thời gian tới, cùng với việc đưa Quỹ sử học Việt Nam vào hoạt động, Hội tập trung khuyến khích, cổ vũ hoạt động nghiên cứu sử học để có thêm nhiều công trình trí tuệ; cải thiện việc dạy và học môn lịch sử trong trường học; tổng hợp thành tựu sử học trong nước, quốc tế, để biên soạn bộ quốc sử, dự kiến 25 tập.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và biểu dương nỗ lực của giới sử học nước nhà trong 45 năm hoạt động không mệt mỏi. Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Hội qua 6 khóa Ban chấp hành với tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương, biên soạn, công bố nhiều công trình sử học. Chủ tịch nước khẳng định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là một trong những Hội ra đời sớm nhất, tập hợp được ngày càng đông đảo hội viên, đang làm tốt việc phát triển thành tựu sử học. Chủ tịch nước nêu rõ, sử học có vai trò to lớn trong giáo dục truyền thống, làm nên cốt cách người Việt Nam, là nền tảng tinh thần của xã hội. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần hoàn thành sứ mệnh cao cả, thực hiện tốt việc tư vấn, phản biện, giám định, cung cấp tư liệu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại buổi lễ, các nghệ sĩ, nhạc công thuộc các đoàn nghệ thuật Trung ương và Hà Nội đã biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng “Sóng vọng Biển Đông” với nhiều tiết mục đặc sắc.

PV

(Theo TTXVN)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – vất vả và đam mê


Điều mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài báo này là những phóng viên tháp tùng Thủ tướng thăm các nước như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đến 3 nước châu Âu: Vương quốc Hà Lan, Uzbekistan và Ukraina. Với họ, những chiếc máy quay hay máy ảnh dường như đè nặng trên vai trong suốt chặng hành trình tháp tùng Thủ tướng…

Làm báo thời đất nước đổi mới và hội nhập, thi thoảng tôi lại có chuyến đi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thăm hữu nghị chính thức một số nước thuộc các châu lục; vừa mới đây là chuyến thăm ba nước châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại ba quốc gia: Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Uzbekistan và Ukraina.

Tác giả và Đại tá Trần Nam Chương (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) cùng tháp tùng Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina.

Tác giả và Đại tá Trần Nam Chương (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) cùng tháp tùng Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina.

Mỗi chuyến đi là mỗi lần tích tụ thêm kiến thức và sự hiểu biết về nền văn hóa, tiềm năng của đất nước và con người nơi đây. Qua những chuyến đi như thế thêm một lần nữa giúp chúng tôi có cơ sở để nhìn trở lại đất nước của mình để rồi sau đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc – một Việt Nam mà ở đầu thế kỷ trước còn chưa có tên trên bản đồ thế giới; vậy mà hôm nay được cả thế giới khâm phục, không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do mà cả trong cuộc chiến chống đói nghèo và tụt hậu; một Việt Nam đổi mới, hòa bình, ổn định và thân thiện.

Vẫn cụm từ “chào đồng chí”

Tham gia đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức các nước bạn bè truyền thống hàng ngày ngoài việc phải bám sát các hoạt động của Thủ tướng tại nước sở tại để thông tin cho độc giả trong nước, với tôi, tôi luôn để tâm đến các câu chuyện ngoài lề, các cử chỉ, lời nói, câu chào thể hiện tình cảm từ người đồng cấp với Thủ tướng ta.

Lần này cũng vậy, khi Thủ tướng và phu nhân vừa bước xuống sân bay quốc tế ở Thủ đô Taskent, Cộng hòa Uzbekistan, Thủ tướng chủ nhà Miziyoyev đã ra tận cầu thang máy bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại sân bay cũng như trong phòng khách VIP của sân bay, những câu chuyện thân tình vừa mang tính xã giao, vừa ẩn chứa tình cảm nồng ấm và ở đó 2 từ “đồng chí” trong giao tiếp của 2 người đứng đầu 2 chính phủ lại có dịp được nhắc đến, khiến những người có mặt hôm ấy ai cũng thấy ấm lòng.

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

Điều đó xem ra cũng đúng thôi, bởi vừa đúng 20 năm sau khi Liên Xô và khối XHCN ở các nước Đông Âu tan rã, thể chế chính trị tại nước Cộng hòa Uzbekistan cũng như các nước cộng hòa khác thuộc Liên bang Xô viết đã thay đổi; giờ đây việc xưng hô với nhau là đồng chí quả thực gợi lại cho mỗi người chúng ta một tình cảm đầm ấm. Đó là mối tình vừa là đồng chí, vừa là anh em. Ấn tượng ấy khiến tôi nhớ lại cách nay vừa đúng 11 năm, vào mùa thu năm Canh Thìn, tôi cũng được cử đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm 3 nước châu âu; trong đó có Liên bang Nga.

Trong những ngày ở trên đất Nga dịp ấy, theo lịch trình, Thủ tướng và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm Học viện Kinh tế Plêkhanốp ở thủ đô Moskva, nơi mà Thủ tướng từng theo học trong những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX.

Buổi sáng hôm đó, sau lễ trao Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho các viện sĩ, giáo sư, giám đốc học viện, cả hội trường lặng đi khi nghe các giáo sư đầu ngành ở đây phát biểu về cảm nghĩ của mình: Về nước Nga và về Việt Nam. Chúng tôi – những phóng viên Việt Nam và các bạn người Nga, ai nấy đều ngạc nhiên khi một giáo sư mở đầu bằng cụm từ: “Chào các đồng chí Việt Nam”.

Ông nói như nấc nghẹn và những cảm xúc ngập tràn bởi tình cảm đằm thắm ông đã dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dường như phát hiện thấy mọi người ngạc nhiên khi mình đưa ra cụm từ ấy, ông chủ động giải thích: “Sở dĩ tôi muốn dùng từ “đồng chí” để mong sao những người bạn Việt Nam có mặt ở diễn đàn này thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Thế giới, nước Nga dù có thay đổi thế nào, song trái tim của chúng tôi vẫn coi Việt Nam là người bạn thân thiết. Chúng ta đã có với nhau hơn nửa thế kỷ chia ngọt sẻ bùi, gian khổ có nhau, vậy thì tại sao lại phải xa nhau”.

Tiếp nối những tình cảm nồng hậu ấy, một giáo sư đầu ngành khác nói: “Những năm qua, từ học viện này đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam tốt nghiệp, nhiều người giờ đây đã giữ những trọng trách quan trọng ở Việt Nam. Và cũng trong thời gian đó, nhiều giáo sư của Học viện đã sang công tác tại Việt Nam; giảng bài hoặc tham dự nhiều diễn đàn khác. Chúng tôi đã ăn bữa cơm Việt Nam và chia sẻ cùng Việt Nam những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Bây giờ khi theo dõi tiến trình đổi mới ở Việt Nam, chúng tôi mới hiểu ra rằng, tại sao lãnh đạo Việt Nam không đi theo con đường cải tổ ở Liên Xô trước đây? Tại sao Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận; bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà vẫn đứng vững và vươn lên giành vị thế cao trên thương trường quốc tế? Và tại sao từ một nước hàng năm phải đi xin viện trợ lương thực từ Liên Xô trước đây, nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới; một quốc gia có tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất?”. Rồi ông khẳng định thay cho lời kết của mình: “Dẫu thời gian có trôi đi, thế giới dù có thay đổi như thế nào, nhưng tôi nghĩ: Hai tiếng “Liên Xô” ngày nào vẫn là một biểu tượng tốt đẹp luôn bên cạnh các đồng chí Việt Nam”.

Đến lượt mình, ông Viện sĩ, Giám đốc Học viện, sau khi nhận Huy chương Hữu nghị của Nhà nước ta, xúc động nói: “Qua những năm đổi mới thành công ở Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và học tập. Rồi đây, theo kế hoạch đã đề ra, Học viện sẽ mời các chuyên gia kinh tế Việt Nam, trong đó có cả cá nhân Thủ tướng sang đọc bài giảng và trao đổi kinh nghiệm với Học viện”.

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng.

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

Tương tự như vậy, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Chính phủ ta đến thăm nước Cộng hòa Belarus, hai từ “đồng chí” ở đây tuy không thể hiện trên bàn Hội đàm hoặc trong các cuộc tiếp xúc tay đôi nhưng bỏ qua những thủ tục, lễ nghi mà Bộ Ngoại giao hai nước đã đệ trình, Tổng thống Lukasencô đã làm một việc khá bất ngờ so với chương trình đã được chuẩn bị sẵn từ nhà là tiếp và hội kiến với Thủ tướng ta trước khi diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa hai Thủ tướng hai nước. Điều thú vị là khi tiếp Thủ tướng nước ta, Tổng thống Lukasencô thổ lộ: “Trên nghi thức ngoại giao, chúng ta gọi nhau là ngài, nhưng thực chất trong lòng chúng tôi vẫn coi Việt Nam là những đồng chí, là người anh em”.

Vất vả và đam mê

Thường thì đoàn phóng viên tháp tùng các đoàn cấp cao thăm chính thức các nước có khoảng trên dưới 20 người. Ngoài các phóng viên chuyên trách thuộc các cơ quan báo chí: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương; còn có phóng viên một vài tờ báo khác. Hoàn toàn không như một số người nghĩ, phóng viên đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đơn thuần là để giải quyết “khâu oai” mà thực sự đó là những ngày tác nghiệp vất vả và đắm say, trách nhiệm và chuyên nghiệp.

Khác với đoàn doanh nghiệp và một số người trong đoàn tùy tùng, đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng trước ngày lên đường đã được Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) mời đến cung cấp một vài tư liệu về đất nước mà đoàn đến thăm và định hướng về công tác tuyên truyền. Đây chính là cơ sở để các cơ quan báo chí đưa đến bạn đọc những bài viết về đất nước và con người ở các quốc gia mà đoàn sẽ đến thăm.

Với các nước bạn bè truyền thống, việc làm thủ tục để nhập cảnh vào các quốc gia này không có vấn đề gì, nhưng với các nước như Hoa Kỳ thì để có được visa nhập cảnh vào đất nước họ là cả một vấn đề phức tạp và mất công đi lại để các nhân viên tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội thực hiện các công việc: Từ phỏng vấn đến lấy mẫu vân tay để ken vào hộ chiếu. Người đã có một vài lần nhập cảnh vào Mỹ xem ra còn bớt đi được những thủ tục, còn với những người mới đi lần đầu theo quy định của Sứ quán Mỹ khi đến làm thủ tục xin visa vào Mỹ phải mang theo ít ra là vài loại giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, giấy chủ quyền nhà… Đó là chưa kể đến những đoạn trường kiểm tra, an ninh khi nhập cảnh cũng như những cung đoạn tác nghiệp trên đất nước họ, mặc dù các nhân viên an ninh Mỹ biết chắc đó là các phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ.

Điều mà chúng tôi muốn đề cập đến là trong đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng thăm các nước như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đến 3 nước châu Âu: Vương quốc Hà Lan, Uzbekistan và Ukraina thì những người vất vả nhất trong quá trình tác nghiệp ở 3 nước mà đoàn đến thăm, trước hết phải kể đến phóng viên Lê Ngọc Tuấn, phóng viên quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam; Hoàng Dũng, phóng viên quay phim Hãng phim thời sự, tài liệu Trung ương. Với họ, chiếc máy quay nặng gần 20kg dường như đè nặng trên vai trong suốt chặng hành trình tháp tùng Thủ tướng.

Tương tự như thế Nguyễn Đức Tám, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam treo trên cổ là 2 chiếc máy ảnh với bộ ống kính dài cỡ 30cm. Dường như đã nhận rõ trách nhiệm của mình khi máy bay dừng bánh họ đã có mặt sẵn ở cửa phía sau máy bay, cửa mở, cầu thang nối ráp là họ vội vàng chạy xuống để chọn vị trí nhằm thu vào ống kính những hình ảnh đầu tiên về diễn biến của cuộc đón tiếp của phía bạn cùng đại diện cộng đồng người Việt đối với Thủ tướng và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn. Họ cũng là người theo sát từng sự kiện, từng hoạt động của Thủ tướng trong suốt thời gian diễn ra chuyến thăm trên đất bạn.

Kết thúc ngày làm việc, các phóng viên thuộc các cơ quan báo chí tranh thủ viết tin, bài gửi về nước để kịp phục vụ độc giả thì 2 phóng viên Nguyễn Đức Tám và Lê Ngọc Tuấn cũng phải chọn và biên tập hình ảnh để phát về nước. Nhiều ngày do công việc gấp gáp, các hoạt động của Thủ tướng và các thành viên trong đoàn ken chặt và chính xác đến từng phút, có khi từ 8h sáng đến tận 10h đêm, các phóng viên tháp tùng Thủ tướng khi về đến khách sạn chỉ kịp ăn bát mì tôm rồi lại lao vào công việc. Thậm chí có ngày hoàn tất các công việc thì đã 2 hoặc 3 giờ sáng. Riêng với phóng viên ảnh Nguyễn Đức Tám có ngày quên cả tô mì tôm vào buổi trưa, anh phải đưa lên xe ôtô vừa ngồi trên xe, vừa ăn.

Còn một người nữa mà hàng ngày chạy đôn, chạy đáo để giúp các phóng viên tháp tùng Thủ tướng tác nghiệp thuận lợi là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Chính chị là đầu mối cung cấp các thông tin chính thống giữa Bộ Ngoại giao 2 nước đến với các phóng viên trong đoàn, quan hệ với các cơ quan quản lý truyền thông của nước bạn để cung cấp thêm các thông tin cho phóng viên.

Cũng như các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở trong nước, những phóng viên tháp tùng các đoàn cấp cao thăm chính thức nước ngoài thường phải có mặt trước 30 phút khi sự kiện diễn ra. Nói vậy, nhưng cũng có lúc bị trục trặc do chiếc xe chở đoàn phóng viên bị kẹt xe giữa đường nên khi tới nơi thì sự kiện đã và đang diễn ra.

Để chữa cháy anh Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và là thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ ta đã phải làm phóng viên bất đắc dĩ để ghi lại những hình ảnh Thủ tướng và các thành viên trong đoàn tham dự lễ đặt vòng hoa tại tượng đài các anh hùng liệt sĩ vô danh tại Thủ đô Kiev (Ukraina).

Vất vả là thế, song những phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ai cũng thấy vui và đắm say với công việc của mình


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Ông Nguyễn Văn Đua chủ trì hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy


Ngày 14-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã chủ trì hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với thường trực 24 quận ủy – huyện ủy về cách làm, kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên trên địa bàn TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua

Từ năm 2010 đến nay, qua các cuộc kiểm tra, đã phát hiện và xử lý một số tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, đồng thời thấy rõ nhiều tổ chức Đảng, đảng viên làm tốt nhiệm vụ. Kết quả, các quận – huyện ủy, ban thường vụ quận – huyện ủy và UBKT các quận, huyện ủy đã thi hành kỷ luật 126 đảng viên. Nội dung sai phạm chủ yếu trong chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, thiếu trách nhiệm, quản lý sử dụng đất đai…

Nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới của công tác kiểm tra giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Đua yêu cầu, bên cạnh việc xây dựng, biểu dương mặt tốt, cần xử lý nghiêm minh những tiêu cực, sai trái trong Đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; giữ nghiêm kỷ luật Đảng; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí bằng những giải pháp, việc làm thật cụ thể. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm đối với đảng viên, tổ chức Đảng sai phạm để giữ uy tín và củng cố lòng tin trong nhân dân với Đảng.

Đồng chí cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát theo phương châm: Giám sát phải mở rộng, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, chọn đúng và trúng nội dung giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, có kiến thức pháp luật và am hiểu công tác xây dựng Đảng; tăng cường phối hợp giữa hoạt động kiểm tra của Đảng với hoạt động thanh tra, giám sát của thanh tra, mặt trận và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp.

H.Hiệp

(theo SGGP)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Ông Nguyễn Văn Đua đến dự và chứng kiến việc lắp ráp vòm cầu lớn nhất Việt Nam


Đến dự và chứng kiến việc lắp ráp vòm cầu có Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cùng đại diện các sở ban ngành.

Vòm Nielsen cầu Bình Lợi là hạng mục quan trọng của dự án đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài có chiều cao 35m, rộng 28m, dài 150m.

Vòm Nielsen cầu Bình Lợi là hạng mục quan trọng của dự án đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài có chiều cao 35m, rộng 28m, dài 150m.

Theo các chuyên gia ngành giao thông, việc lắp ráp dạng kết cấu này đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ thi công hiện đại nhất. Đây là kết cấu được thi công lần đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Myung Soo Huh, Giám đốc điều hành Công ty GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) cho biết, vòm cầu được vận chuyển lên sà lan và lắp ráp vào các trụ chính. Do phụ thuộc vào thủy triều nên khoảng 4 giờ ngày 14-10, sà lan chở vòm cầu mới bắt đầu tiến vào giữa hai trụ cầu và khi con nước cao nhất, vòm cầu sẽ được lắp đúng vào vị trí .

Để chế tạo vòm Nielsen phải mất 8 tháng với khoảng 4.000 tấm thép thi công tại Hàn Quốc. Sau đó, mất 8 ngày để vận chuyển vòm cầu từ Hàn Quốc về cảng Sài Gòn ngày 7-2011 bằng tàu biển.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, cầu Bình Lợi sau khi hoàn thành sẽ cùng với cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu đảm nhận phần lớn lưu lượng giao thông khu vực trung tâm qua sông Sài Gòn. Trong đó cầu Bình Lợi đảm nhận khoảng 40% lưu lượng xe cộ, giữ vai trò lớn trong việc giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực TPHCM.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, hạng mục nào thuộc dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lơi- Vành đai ngoài xong đưa ngay vào sử dụng để giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngỏ Đông Bắc thành phố. Tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài tại TPHCM là một phần của đường vành đai số 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài được thiết kế với 12 làn xe, rộng 60m, tổng chiều dài 13,6km, bắt đầu từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh sau đó băng qua sông Sài Gòn đến Q.Thủ Đức kết nối vào Quốc lộ 1. Tính đến thời điểm này, đơn vị thi công đã triển khai xây dựng được 7,4km tại các khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh với các hạng mục công trình như thi công hệ thống thoát nước, thi công Rạch Lăng, cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa…


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức cấp Nhà nước Sri Lanka


Đây là lần đầu tiên Nguyên thủ nước ta sang thăm chính thức Srilanka kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 41 năm.

19h ngày 13/10 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã tới thủ đô Colombo bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanca theo lời mời của Tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Tổng thống Mahinda Rajapaksa đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay

Tổng thống Mahinda Rajapaksa đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại sân bay với nghi thức trọng thị và mang đậm nét văn hóa truyền thống của Sri Lanka.

Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa và Phu nhân cùng các quan chức cao cấp của Chính phủ đón Chủ tịch nước ta và đoàn tại chân cầu thang máy bay. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước xuống máy bay trong tiếng trống truyền thống Sri Lanka chào mừng và được choàng một dải hoa dành đón khách quý.

Bắt tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mahinda Rajapaksa coi đây là một ngày lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai đất nước, đặt mốc quan trọng đưa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Sri Lanka bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trên đường tiến về vị trí danh dự, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân được những vũ công trong trang phục dân tộc chào đón bằng điệu múa truyền thống của Sri Lanka.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang duyệt đội danh dự

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang duyệt đội danh dự

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên bục danh dự. Quốc thiều Việt Nam và Srilanka vang lên trong 21 loạt đại bác chào mừng. Sau khi Chủ tịch nước duyệt đột danh dự, một lần nữa Quốc thiều Việt Nam được cử lên hùng tráng.

Theo chương trình, sáng 14/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mahinda Rajapaksa sẽ hội đàm về biện pháp củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Sri Lanka./.

Lê Huy Nam (Theo VOV)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát phòng chống lũ lụt tại một số tỉnh phía Nam


Ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại Long An, Đồng Tháp và An Giang, những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do đợt lũ vừa qua.

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang gia cố bờ bao bảo vệ sản xuất khu vực kênh Ba Ánh, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang gia cố bờ bao bảo vệ sản xuất khu vực kênh Ba Ánh, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự

Chiều 12/10, tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An nhằm đưa các giải pháp khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Thủ tướng cho rằng, so với trận lũ lịch sử năm 2000 ở đồng bằng sông Cửu Long, năm nay chúng ta cơ bản đạt được yêu cầu theo mục tiêu đề ra, nhất là đã hạn chế được số người chết và mất tích; nhà ở bị ngập lụt ở mức thấp hơn nhiều, đi liền với đó, diện tích lúa bị mất trắng cũng thấp hơn năm 2000; cụm tuyến dân cư vượt lũ được xây dựng ngày càng phát huy tác dụng.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đã tích cực đối phó với lũ lụt, xây dựng cuộc sống an toàn, bền vững cho cư dân trong những năm qua theo phương châm “Sống chung với lũ”.

Nhận định tình hình lũ lụt ở các tỉnh trong vùng vẫn còn diễn biến phức tạp, đỉnh lũ vẫn ở mức cao…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các địa phương trong vùng hết sức quan tâm tới việc đảm bảo tính mạng của nhân dân, nhất là trẻ em, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình làm tốt công tác giữ trẻ, duy trì và mở rộng các điểm giữ trẻ ở khu dân cư nhằm hạn chế tốt đa thiệt hại về người. Cùng với đó, cần hết sức chú ý công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác dạy và học, không để mưa lũ làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục-đào tạo.

Trong sản xuất, phải bảo vệ tối đa các diện tích lúa chưa bị ngập bằng cách tiếp tục gia cố hệ thống đê bao bảo vệ ruộng đồng, chống sạt lở tuyến đê xung yếu; chuẩn bị tốt nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi để tái sản xuất sau mưa lũ.

Các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời tốt cho sống người dân trong vùng nhất là những gia đình có nhà bị ngập, những hộ nghèo, người neo đơn…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra khu vực sạt lở một đoạn đê sông Tiền tại xã Long Thuận, thị xã Hồng Ngự

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra khu vực sạt lở một đoạn đê sông Tiền tại xã Long Thuận, thị xã Hồng Ngự

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ; quy hoạch lại sản xuất, xác định rõ vùng nào có thể sản xuất được 3 vụ, vùng nào thuận lợi cho nuôi trồng thủy hải sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu hệ thống cấp thoát nước cho vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với kiến nghị của các địa phương về việc Trung ương hỗ trợ kinh phí gia cố, làm bờ đập, đê trọng yếu; kinh phí hỗ trợ về giống, nguồn vốn đối với những diện tích gieo trồng lúa bị mất trắng; hỗ trợ cho các hộ nghèo có nhà bị ngập… Thủ tướng đề nghị các địa phương làm việc cụ thể với các bộ, ngành chức năng để có hướng xem xét và giải quyết.

Trước đó, sáng 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra chung tình hình lũ lụt tại một số huyện của 3 tỉnh thuộc vùng lũ đầu nguồn là Long An, Đồng Tháp và An Giang.

Thủ tướng và đoàn công tác đã thị sát các cụm tuyến dân cư vượt lũ, các xã bị ngập sâu trong lũ ở thị xã Châu Đốc và thị xã Tân Châu (An Giang) và thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Tại thị xã Tân Châu, Thủ tướng đã động viên các chiến sỹ lực lượng vũ trang, dân phòng và nhân dân xã Tân An đang gia cố bờ đập bị sạt lở của kênh Bẩy Xã; thăm Trạm Y tế và Trường Tiểu học xã Phú Lộc.

Tại thị xã Hồng Ngự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới kiểm tra khu vực sạt lở một đoạn đê sông Tiền tại xã Long Thuận; kiểm tra cụm tuyến dân cư vượt lũ và tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang tiến hành gia cố bờ bao bảo vệ sản xuất lúa của kênh Ba Ánh tại xã An Bình B.

PV

(Theo Chinhphu)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel


Ngay sau khi đến Hà Nội, sáng nay Thủ tướng Angela Merkel đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngvới mục đích tăng cường hợp tác song phương. Bà Merkel từng nhiều năm được bình chọn là “Phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.

Lễ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hà Nội sáng nay

Lễ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hà Nội sáng nay

Tháp tùng Thủ tướng Merkel là phái đoàn hùng hậu gồm 27 quan chức cấp cao của chính phủ Đức, 15 đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế số một châu Âu, 21 phóng viên báo đài cùng 5 đại biểu quốc hội thuộc 5 đảng khác nhau trên chính trường Đức.

Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sáng nay, Thủ tướng Merkel sẽ hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cùng ký kết các văn kiện. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Merkel sẽ cùng nhà lãnh đạo Việt Nam bàn về các vấn đề hợp tác chính, gồm: chính trị và chiến lược; thương mại và đầu tư; pháp luật và tư pháp; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ, văn hóa và du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel

Sau đó bà Merkel hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Thủ tướng Đức sẽ thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám và nhà máy dược B.Braun, trước khi tới thăm đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Bà Merkel cũng dành thời gian để gặp gỡ những người Việt Nam từng học tập và làm việc tại nước Đức, đại sứ quán tại Hà Nội cho biết.

Sáng 12/10, thủ tướng Đức bay vào thành phố Hồ Chí Minh để dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Đức. Chiều cùng ngày, bà Merkel rời Việt Nam để tới Mông Cổ.

Đức là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010, tức là bằng tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu khác cộng lại. Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam lao động và học tập tại Đức hiện có gần 100.000 người, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức, và được nước sở tại đánh giá là một cộng đồng tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nước Đức. Ngoài ra, có một số lượng gần tương đương những người Việt Nam từng học tập hoặc làm việc ở Đức nay đã về nước. Đức hiện là nước tích cực nhất trong việc giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ, với khoảng 100 học bổng đào tạo mỗi năm. Những cộng đồng này chính là cầu nối quan trọng làm nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 36 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.

Phan Lê (Theo Vnexpress)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)

Ông Nguyễn Văn Đua: TP Hồ Chí Minh sáng tạo trong thi đua “Dân vận khéo”


Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương triển khai, hướng dẫn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thành phố đến các khu dân cư trên địa bàn toàn thành phố đã có nhiều cách làm hết sức năng động, sáng tạo, thiết thực, tác động tích cực, toàn diện đến tình hình kinh tế – xã hội của thành phố, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

 Lễ tuyên dương các gương điển hình "Dân vận khéo" năm 2011

Lễ tuyên dương các gương điển hình "Dân vận khéo" năm 2011

Qua 3 năm triển khai, thực hiện phong trào đã có 3.327 điển hình tập thể và 11.192 điển hình cá nhân “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực được các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên dương, ghi nhận công lao. Trong đó, có 234 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” được thành phố tuyên dương, khen thưởng trong các năm 2007, 2008 và 2009.

Năm 2011, cùng với cả nước, thành phố phải tập trung thực hiện kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thành ủy đã chỉ đạo hệ thống chính trị thành phố tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp do Chính phủ đề ra; trong đó công tác dân vận phải tập trung vào việc vận động nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm bảo đảm an sinh xã hội, mà trọng tâm là chăm lo giúp đỡ, ổn định đời sống cho các các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, công nhân lao động, học sinh, sinh viên…bởi đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn từ tình hình lạm phát, giá cả tăng cao. Qua khảo sát thực tế, công tác dân vận của thành phố Hồ Chí Minh đã chọn khâu đột phá của “Dân vận khéo” năm 2011 là vận động những người có phòng trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo đăng ký và thực hiện không tăng giá thuê phòng trọ đến cuối năm 2011; thu tiền điện, nước theo đúng giá quy định. Từ chủ trương ban đầu chọn quận Thủ Đức làm điểm, cuộc vận động đã phát triển, lan tỏa rất nhanh trở thành phong trào hành động cách mạng tự giác rộng khắp trên địa bàn toàn thành phố.

Kết quả, đã vận động được 66.231 người có phòng trọ cho thuê cam kết thực hiện không tăng giá trong năm 2011, hỗ trợ cho 1.225.303 người đang đi thuê phòng trọ, ước tính số tiền hỗ trợ thông qua việc không tăng giá thuê phòng trọ khoảng 520 tỷ đồng. Nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phong phú đã được triển khai ở các quận, huyện như quận Tân Bình tuyên dương “Nhà trọ nghĩa tình, đồng hành cùng công nhân lao động nghèo”. Nhiều chủ nhà trọ không chỉ tích cực hưởng ứng chủ trương, mà còn tích cực vận động, thuyết phục các chủ nhà trọ khác cùng hưởng ứng không tăng giá phòng trọ; hỗ trợ những công nhân gặp khó khăn; vận động những công nhân ở trọ lập quỹ tiết kiệm; mời cán bộ tư pháp và Hội Phụ nữ đến tư vấn pháp luật cho công nhân ngay tại khu nhà trọ, tạo thành phong trào nhân ái rộng khắp trong xã hội như: bà Huỳnh Thị Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nữ chủ nhà trọ”, khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Long, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, bà Huỳnh Thị Chín, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, xã Trung An, huyện Củ Chi…

Với phương châm, “luôn nắm sát tình hình đời sống nhân dân; luôn trăn trở, suy nghĩ những biện pháp thiết thực để chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo” từ việc vận động người có phòng cho thuê không tăng giá, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhiều nơi đã linh hoạt mở rộng sang vận động các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình không tăng giá giữ trẻ, không tăng tiền ăn nhưng vẫn giữ được chất lượng bữa ăn cho con công nhân lao động. Kết quả có 901 trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình đang nuôi giữ 70.196 cháu hưởng ứng; vận động 1.145 doanh nghiệp thực hiện tăng tiền lương, tiền trợ cấp nhà ở, các loại phụ cấp, tăng chất lượng bữa ăn, tăng hỗ trợ tiền xăng di chuyển cho công nhân; phối hợp với công ty Điện lực đăng ký định mức sử dụng điện theo giá quy định cho người thuê phòng trọ.

Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình bình ổn giá của thành phố, cùng với các biện pháp tăng cung hàng hóa, phong trào “Dân vận khéo” đã vận động các doanh nghiệp phát triển mạnh mạng lưới bán lẻ, triển khai mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn giá cố định và lưu động cho người lao động và công nhân, được người lao động đồng tình, phấn khởi; góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, giữ cho chỉ số CPI của thành phố thấp hơn chỉ số chung của cả nước. Vận động các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng các quỹ hỗ trợ công nhân lao động nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng vè tàu xe, quà cho công nhân nghèo về quê ăn tết; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tặng học bổng, tặng quà cho học sinh, sinh viên nghèo; tổ chức các bữa ăn miễn phí cho công nhân lao động nghèo và những người khó khăn trên địa bàn…

Với chủ trương ““khéo” tìm tòi ý tưởng, phương thức phối hợp để tạo thành sức mạnh tổng hợp”. Mặt trận Tổ quốc thành phố đã phát động phong trào “3 tiết kiệm, 3 hỗ trợ” (tiết kiêm điện, tiết kiệm chi tiêu công, không tiêu dùng xa xỉ; tương trợ người nghèo, công nhân, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên, người già neo đơn…), đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, chính là thể hiện sự sáng tạo với những khẩu hiệu vận động ngắn gọn, dễ đi vào lòng người. “Chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện năm 2011” của Tổng công ty Điện lực thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và sở Khoa học Công nghệ thành phố, thể hiện sự khéo kết nối các lực lượng trong tổ chức các phong trào, cuộc vận động, vai trò của phụ nữ trong gia đình, được đông đảo chị em phụ nữ hưởng ứng, đến nay đã có 811.306 hộ gia đình đăng ký và đã tiết kiệm được 86,8 triệu KW điện.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong năm 2011, trên địa bàn toàn thành phố đã có hàng nghìn điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được các cấp, cơ quan, tổ chức tuyên dương, khen thưởng. Nhân dịp kỷ niệm 81 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2011), thành phố đã tổ chức tuyên dương 81 gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được các cấp, các ngành bình chọn và giới thiệu.

Đánh giá về phong trào thi đua “Dân vận khéo” của thành phố trong năm 2011, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư Thường trực thành ủy khẳng định, cùng với sự điều hành quyết liệt của UBND thành phố, chính quyền các cấp; bằng sự khéo léo, linh hoạt, năng động, sáng tạo, công tác dân vận đã cổ vũ, động viên sự nỗ lực kiên trì vượt khó của giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân cùng với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đã đưa thành phố tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định tốc độ tăng trưởng phù hợp (9 tháng đầu năm, GDP của thành phố tăng 10%, trên 1,7 lần cả nước); giải quyết việc làm cho 235.500 lao động, trợ vốn cho 36.746 hộ nghèo và cận nghèo, cấp 210.951 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp 10.600 thẻ xe buýt miễn phí cho người tàn tật, trợ cấp 2.000 hộ thuộc diện khó khăn có thu nhập từ 8 triệu đồng/người/năm trở xuống, giải quyết kịp thời khó khăn cho 458.106 đối tượng nghèo và 6.727 đối tượng cần được bảo trợ …. góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể nói, những sáng tạo trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các chủ trương, giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được Bộ Chính trị và Chính phủ xác định từ đấu năm là hết sức đúng đắn. Song, nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp tầm vĩ mô, thì các chủ trương đó cũng khó trở thành hiện thực. Nó chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi được cụ thể hóa thành các chương trình, hành động cụ thể từ cơ sở với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, góp sức của mỗi một người dân. Đồng thời, những sáng tạo trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn tư tưởng “Dân vận khéo” của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đỗ Văn Phớn (CTV)


(Theo website Nguyễn Văn Đua)