Trang

Ông Nguyễn Văn Đua tham dự Lễ trồng cây tại khu vực ven Đá Đỏ


Sáng 27-5, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp cùng UBND quận 2, Ban điều hành chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” tổ chức Lễ trồng cây tại khu vực ven rạch Đá Đỏ, phường An Phú, quận 2. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Lãnh đạo thành phố tham gia trồng cây xanh
Lãnh đạo thành phố tham gia trồng cây xanh

Tại lễ phát động có 600 cây xanh được trồng xuống, trong đó có 200 cây Giáng Hương và 400 cây Dầu Rái. Hoạt động này sẽ góp phần tạo thêm mảng xanh cho cửa ngõ phía Đông thành phố.
Đây là một trong những hoạt động của TP.HCM nhân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2012) và 101 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2012).

Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Người đứng đầu phải gương mẫu, trung thực


Để thực hiện gương mẫu việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì sự gương mẫu, trung thực của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đóng vai trò quyết định. 

Đây cũng là nội dung xuyên suốt hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TPHCM với thường trực Đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy, do các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng chủ trì với sự tham dự của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, diễn ra ngày 23-5.

Chọn nội dung cụ thể, thiết thực


Kinh nghiệm mà đồng chí Ngô Đồng Khanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế nêu ra tại hội nghị là xây dựng chương trình dựa trên đặc thù từng đơn vị để cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của Bác, từ đó mỗi cá nhân của ngành tự kiểm điểm, nhìn lại những hành vi, ứng xử của mình mà dũng cảm phê phán những hành vi xấu, điển hình hóa những việc làm tốt.

Cụ thể hơn, để “làm theo” hiệu quả thì với đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh phòng chống dịch là phải khắc phục khó khăn, bám chặt địa bàn. Với cán bộ, nhân viên ở các cơ sở khám, chữa bệnh là có thái độ niềm nở, hòa nhã, quý trọng và thông cảm với người bệnh, tuyệt đối không tắc trách dẫn đến nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh. Với các trường đào tạo cán bộ y – dược thì đề cao tính gương mẫu của thầy cô, rèn tính kỷ luật, tinh thần phục vụ, y đức cho học sinh, sinh viên…

Là ngành thường xuyên “cọ xát” với người dân, đồng chí Nguyễn Thị Hiền Lương, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP nêu 4 bài học kinh nghiệm. Trong đó, theo đồng chí, đáng chú ý là công tác tuyên truyền, giáo dục phải được làm thường xuyên, liên tục để từ đó kịp thời phát hiện những tấm gương tập thể, cá nhân “làm theo” cụ thể để biểu dương, nhân rộng, làm lan tỏa trong toàn đơn vị. Sở cũng mạnh dạn thực hiện “Phiếu xin ý kiến quần chúng” để ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân về tư cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Qua đó kịp thời phê bình, uốn nắn những cán bộ, đảng viên chưa tự giác rèn luyện, chưa gương mẫu trong công tác, đạo đức, lối sống để tạo niềm tin của CNVC-LĐ đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị.

Nắm vững để làm gương


Thống nhất và xuyên suốt ý kiến tại hội nghị là quan điểm: người đứng đầu cơ quan, đơn vị ngoài việc nêu gương mẫu trong học tập, làm theo thì trước hết phải có nhận thức đúng đắn, thống nhất về tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có như vậy mới dành thời gian cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao bằng khen tặng Thiếu tướng Trần Triều Dương về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao bằng khen tặng Thiếu tướng Trần Triều Dương về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Khẳng định lại vai trò, trách nhiệm quan trọng trong nêu gương của người đứng đầu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: “Để làm gương hiệu quả thì bắt buộc người đứng đầu phải nắm thật vững các chỉ thị, hướng dẫn của TƯ, Thành ủy về việc tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trước, gắn chặt với việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; xây dựng quy chế nêu gương của lãnh đạo các cấp; công bố công khai trong đơn vị, nêu một số nội dung cụ thể như tinh thần trách nhiệm trong công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, phát huy dân chủ, tiết kiệm trong sử dụng tài sản công… để cấp dưới và người dân tham gia giám sát. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan, đơn vị lựa chọn một số vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức để chi bộ, đảng bộ bàn biện pháp phấn đấu, khắc phục, tạo chuyển biến, tiến tới giải quyết dứt điểm trong thời hạn nhất định. “Thường xuyên kiểm tra, giám sát khắc phục sai sót và sâu sát để kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình bằng nhiều hình thức” - đồng chí Nguyễn Văn Đua chỉ đạo.

"Việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến nay ở một số cơ sở Đảng vẫn còn biểu hiện hình thức, dẫn đến 6 “chưa”: Chưa duy trì thường xuyên; chưa chủ động; chưa cụ thể; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đảng và các đoàn thể; chưa thật rõ nét trong kết quả làm theo. Để chấn chỉnh, một trong các giải pháp quan trọng là xử lý nghiêm, công khai, minh bạch những vi phạm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, tạo môi trường thuận lợi cho việc tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt"
Đồng chí VŨ HỮU MINH, 
Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM

Ngày hội người trẻ sống đẹp


Ngày 19-5 sinh nhật Bác Hồ cũng là ngày hội của tuổi trẻ TP.HCM khi 294 điển hình trẻ cùng hội ngộ trong đại hội “Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác” năm 2012.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua trao huy hiệu và biểu trưng cho các gương Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác năm 2012.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua trao huy hiệu và biểu trưng cho các gương Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác năm 2012.

Các buổi giao lưu giữa đại biểu với nhiều đối tượng trẻ để cùng chia sẻ và nhân lên lối sống đẹp, các hoạt động nhân ái nghĩa tình, diễn đàn bàn về trách nhiệm của người trẻ trong vai trò phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước... là những hoạt động nổi bật của đại hội.

Hết lòng vì dân


Diễn đàn “Phấn đấu vượt qua khó khăn, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân” là nơi 79 đại biểu cùng nói về vai trò cống hiến của người trẻ. Bác sĩ Nguyễn Đạt Nguyên - bí thư Đoàn Bệnh viện Từ Dũ - chia sẻ câu chuyện học tập tính tiết kiệm của Bác được ứng dụng tại đơn vị: “Chúng tôi thực hành tiết kiệm bằng việc rà soát việc sử dụng vật tư, bác sĩ kê toa đúng thuốc, đúng bệnh, kê đủ không thừa, nhất là các bác sĩ trẻ”. Còn bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, Bệnh viện Q.1, cho biết luôn nhớ lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Từ đó, anh cùng các đồng nghiệp trẻ thực hiện nhiều công trình thanh niên: Trắng mãi màu áo blouse, Tuần làm việc thân thiện, Bác sĩ không phong bì...

Vinh danh 300 bạn nhỏ vượt khó học giỏi


Tối 19-5, Liên hoan thiếu nhi vượt khó, học giỏi “Hoa thơm dâng Bác”  lần đầu tiên do Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM. 300 điển hình là những bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc đang được nuôi dạy tại các mái ấm, nhà mở của TP đã được vinh danh, khen thưởng.

Là một công chức trẻ, bạn Châu Phụng Chi (Q.1) đặt vấn đề về vai trò của người trẻ khi tham gia thực hiện cải cách hành chính. “Ngoài cải cách quy trình xử lý các phần việc sao cho tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tôi nghĩ việc quan trọng phải là xây dựng hình ảnh cán bộ công chức trẻ hết lòng phục vụ nhân dân, luôn biết nở nụ cười thân thiện” - Chi bày tỏ. Chi đoàn Văn phòng UBND Q.1 của Chi thay vì tìm điểm yếu kém của công chức để khiển trách thì tổ chức khen thưởng dưới cờ những công chức được người dân tin yêu như cách nhân rộng điển hình.

Bùng cháy ngọn lửa nhiệt huyết


Trong ngày 19-5, các đại biểu còn đến thăm các mẹ VN anh hùng, các bậc lão thành cách mạng, Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, người có vinh dự một vài lần gặp Bác Hồ để nghe kể những mẩu chuyện sinh động về lối sống giản dị, gần gũi của một nhân cách lớn. Cùng lúc đó, các diễn đàn về “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ VN” giao lưu giữa đại biểu dự đại hội với nhiều đối tượng trẻ đã được tổ chức tại nhiều cơ sở Đoàn của TP. Tại huyện Nhà Bè, ngay trong chương trình giao lưu, biết được câu chuyện gia đình khó khăn của bạn Đỗ Trí Nghĩa - hiện là học sinh lớp 10 Trường THPT Trưng Vương (Q.1) - các đại biểu đã quyết định quyên góp ngay tại chỗ. Tổng số tiền thu được là 8,5 triệu đồng được lập thành sổ tiết kiệm để hỗ trợ thêm cho Nghĩa yên tâm học hành trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Khu nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi), các đại biểu đã gửi tặng mười phần quà đến các bạn công nhân khó khăn đang làm việc trong các đơn vị huyện Củ Chi. Cũng tại đây, Đoàn Khu nông nghiệp công nghệ cao ký ghi nhớ với Huyện đoàn Củ Chi cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chiều cùng ngày, đại hội đã tuyên dương 40 gương điển hình trong số 294 đại biểu của đại hội. Tại đây, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã chúc mừng và phát biểu với đại hội. Ông cho rằng những bạn trẻ có mặt tại liên hoan là lớp người vừa hồng vừa chuyên, là những thanh niên có lòng yêu nước, tinh thần xung kích, tình nguyện, nắm bắt khoa học, nhiều hoài bão... Ông cũng nhấn mạnh tổ chức Đoàn cần nhân rộng các điển hình, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” thông qua nhiều giải pháp thu hút nhiều thanh niên thực hiện. Đồng thời cũng cần phê phán những cái xấu, những giá trị ảo..., giúp thanh niên định hướng xây dựng lối sống tốt đẹp hơn.

Bàn giải pháp thực hiện an toàn giao thông


Tại một vài diễn đàn của đại hội, nhiều đại biểu bày tỏ ưu tư về việc thực hiện an toàn giao thông hiện nay. Từ kinh nghiệm thực hiện “ngày không xe máy”, bạn Nguyễn Thành An (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng để thực hiện an toàn giao thông nhất thiết phải nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Trong khi đó, chị Trần Thị Kim Chi (Quận đoàn 9) cho rằng việc hình thành các đội hình xung kích của tuổi trẻ tham gia hút đinh, vá xe lưu động cũng là một cách để tuổi trẻ chung tay cùng xã hội thực hiện an toàn giao thông. Hay tại P.14, Q.6 thực hiện mô hình “Hộ đoàn viên thanh niên đăng ký không vi phạm an toàn giao thông”, trong đó mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên an toàn giao thông... Tuy nhiên, nhiều phát biểu khẳng định song song với yêu cầu thay đổi ý thức giao thông chưa tốt thì việc hoàn thiện hệ thống giao thông mới là giải pháp căn cơ và đem lại hiệu quả lâu dài.


K.Anh - Q.Linh
Theo TTO

Chuyển nhận thức thành hành động


Sáng 19.5, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải cùng phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thị Thu Hà và Nguyễn Văn Đua, đã dự hội nghị tuyên dương 91 CNVCLĐ điển hình trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ do LĐLĐ TPHCM tổ chức.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa và biểu trưng cho các gương điển hình trong cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - ảnh: D.M.Đ
Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa và biểu trưng cho các gương điển hình trong cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - ảnh: D.M.Đ

Trong số 91 CNVCLĐ điển hình, tuy mỗi người mỗi việc, nhưng họ cùng có chung một phẩm chất, đó là ý thức tự học, tự rèn, phấn đấu bền bỉ để có kỹ năng nghề nghiệp cao, phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn. Trong số đó, ý thức khắc phục mọi khó khăn để thực hành tiết kiệm của Bác đã được chị Trần Thị Thúy Vân – thợ chế bản điện tử bậc 7/7 của Cty cổ phần in số 7 thấm nhuần và đã thể hiện bằng những việc làm hết sức sáng tạo. 

Sự nỗ lực tự học, tự rèn theo lời Bác dạy cũng được anh Trần Trọng Giang Thế Nhân – CN Cty dịch vụ công ích Q.8 thể hiện rất sinh động qua việc khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ học vấn. Sau nhiều năm kiên trì theo học bổ túc văn hoá, đến nay đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế luật. Còn đối với chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ - tổ trưởng sản xuất Xí nghiệp heo giống cấp I (Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn), thì lời dạy “đoàn kết hiệp đồng – lập công tập thể” của Bác đã trở thành phương châm cho công việc của chị và toàn tổ sản xuất.

“Giải quyết thành công một ca sinh khó, hay giúp được đồng nghiệp hoặc người khác một việc gì đó, nhất là người nghèo, tôi cảm thấy lòng thanh thản vô cùng" - đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Tuyết Oanh - Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Nhà Bè tại buổi giao lưu. Anh Lê Quang Dũng - cán bộ CĐ Cty Vĩ Phát - tâm sự: “Sinh thời Bác làm nhiều, nói ít và nói luôn đi đôi với làm. Vì vậy, tôi học Bác ở đức tính cứ mạnh dạn làm hết khả năng của mình, miễn là có lợi cho anh em CN, cho sự phát triển của DN”.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải đúc kết: “Thành công lớn nhất của cuộc vận động là từng cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đã nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Bác Hồ, từ đó chuyển thành hành động cụ thể là chia sẻ khó khăn với nhau, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tiết kiệm trong sinh hoạt...”.

Phê bình và tự phê bình để cùng giúp nhau tiến bộ


Ngày 17-5, tại TPHCM, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM, Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học bàn về những giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, khẳng định Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước và TPHCM đón nhận với sự tin tưởng và nhất trí cao; đồng thời mong đợi từ chủ trương đúng, các cấp cần có quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ, cách làm quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, không né tránh, không ngại đụng chạm, kết hợp nhuần nhuyễn “xây và chống”, “chống và xây”. Nhấn mạnh đến giải pháp tự phê bình và phê bình, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng trước hết, cần phải nhận thức mục đích của tự phê bình và phê bình là để giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị sửa chữa những khuyết điểm, làm cho tốt hơn, đúng hơn; để mọi người học ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, tốt hơn.

Ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là hết sức quan trọng cho cấp dưới học tập, noi theo.

Lãnh đạo TPHCM tiếp đoàn đại biểu cấp cao Liên hiệp Phụ nữ Lào


Tối hôm qua 6/5, ông Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư thường trực Thành Ủy có buổi tiếp đoàn đại biểu cấp cao Liên hiệp Phụ nữ Lào do bà Sisay Leudetmounsone, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào dẫn đầu thăm hữu nghị tại TPHCM.
Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Văn Đua đánh giá cao kết quả phối hợp hoạt động giữa Hội liên hiệp Phụ nữ Lào và Việt Nam cũng như giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào với Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM trong thời gian qua. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn quan hệ giao lưu hợp tác giữa hai bên tiếp tục được đẩy mạnh xứng đáng với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Bà Sisay Leudetmounsone cho biết: qua chuyến thăm và làm việc tại TPHCM là cơ hội để đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phụ nữ đồng thời thắt chặt tình hữu nghị giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Lào và Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM.

Công tác dân tộc không ngừng trưởng thành


TPHCM mừng lễ Phật đản năm 2012

Sáng 3-5, Ban Dân tộc TPHCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3.5.1946 - 3.5.2012). 

Trong 66 năm qua, công tác dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ của cách mạng nước ta. Hiện TPHCM có 462.612 người là đồng bào các dân tộc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của TP.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đề nghị Ban Dân tộc TPHCM tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới hiện nay; xây dựng và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong từng khu phố, ấp, phường, xã; qua đó góp phần ổn định chính trị, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

* Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua dẫn đầu đoàn lãnh đạo TPHCM đến thăm và chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2012 tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM. Ông Nguyễn Văn Đua đã gửi lời chúc sức khỏe, thanh tâm, an lạc đến tăng ni, cư sĩ, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TPHCM nhân lễ kỷ niệm 2556 năm Phật đản và đánh giá cao những đóng góp của giáo hội, thành hội trong công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, bà con phật tử, đồng bào nghèo tại TP.

* Nằm trong chương trình chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556, tối cùng ngày, Thành hội Phật giáo TPHCM phối hợp với chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) tổ chức chương trình ca múa nhạc chủ đề “Ngàn hoa kính dâng Đức Phật”. Dịp này, Đảng và Nhà nước đã có quyết định trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp cho một số chư tôn đức, cư sĩ, Phật tử có nhiều thành tựu phật sự ích đời lợi đạo.

Đính chính vụ Văn Giang - Ecopark và bà Nguyễn Thanh Phượng

Ban biên tập nhận nguồn tin từ Cộng tác viên cho biết: Ngày 2/5/2012, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) là ông Đào Ngọc Thanh, đã ban hành công văn số 83/CV-VH gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước với mong muốn các cơ quan truyền thông giúp ông Đào Ngọc Thanh làm sáng tỏ thông tin về việc bà Nguyễn Thanh Phượng với nội dung:



Hình ảnh công văn của công ty “Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” gửi cơ quan báo chí
Nội dung trong bản công văn được ông Đào Ngọc Thanh khẳng định rõ: “Sau khi cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 24/4/2012, trên mạng Internet xuất hiện một số thông tin cho rằng “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) và Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng là một.

Trước thông tin này, Tổng giám đốc khẳng định “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” hoàn toàn không liên quan gì tới Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng”, mọi thông tin về pháp lý của công ty, hoàn toàn có thể kiểm chứng tại cổng thông tin Doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên. Đường dẫn: http://hungyenbusiness.gov.vn. Và kể từ năm 2003 thành lập công ty đến nay, “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng”(Vihajico), chưa từng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng bất kỳ lần nào. Tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Đào Ngọc Thanh, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lương Xuân Hà, chứ không phải theo một số tin đồn thất thiệt là Bà Nguyễn Thanh Phượng mà cộng đồng mạng đã đồn đoán.

Chúng tôi khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng hoàn toàn không liên quan gì tới dự án Ecopark, cũng như không có bất cứ vai trò pháp lý nào trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.

Nội dung chi tiết bản công văn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng:



Nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/tin-nong-cong-ty-cp-dt-pt-do-thi-viet-hung-dinh-chinh-ve-vu-viec-ecopark.html