Trang

Chăm lo chu đáo đời sống nhân dân


"Càng tự hào về thành quả vĩ đại của cách mạng, chúng ta càng khắc cốt, ghi tâm công lao, xương máu của bao thế hệ đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các anh hùng liệt sĩ, những chàng trai, cô gái đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định, góp phần tô thắm làm cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay ngày thêm rạng rỡ".
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu tại lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 126 năm Ngày quốc tế lao động, diễn ra tại Hội trường TP.HCM sáng 29-4.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT - Ảnh: Minh Đức

Đến dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, các vị lão thành cách mạng, mẹ VN anh hùng, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nhân sĩ, trí thức, đông đảo các bạn trẻ... Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, sáng cùng ngày, đoàn lãnh đạo TP.HCM đã đến viếng, đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ TP và nghĩa trang TP.
Diễn văn của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quê hương được giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, đoàn tụ, sum họp một nhà, đây là thắng lợi của niềm tin, của công lý, là thành quả đấu tranh gian khổ, lâu dài với bao hi sinh của quân và dân cả nước. Ông Lê Hoàng Quân nói: "Giờ đây, chúng ta càng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang ấy trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ TP, mà trước hết là chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội"...
Diễn văn của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng nêu rõ tinh thần bất diệt của Ngày quốc tế lao động 1-5, khẳng định sự trân trọng, lòng biết ơn đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời khẳng định vai trò của những người lao động được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu của đại diện những cựu chiến binh TP và đại diện của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn TP đều khẳng định niềm tin vào sự phát triển của đất nước, của TP.HCM trong tương lai; tiếp tục phát huy, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ba tập thể: tiểu đoàn bộ binh 3, trung đoàn Gia Định; Ban trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; tiểu đoàn 2, trung đoàn 268, Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao cho đại diện gia đình sáu liệt sĩ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được truy tặng trong đợt này, gồm các liệt sĩ: Trang Văn Học (nguyên trưởng ban quân sự Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định); Lê Văn Nghề (nguyên đội phó đội võ trang Đoàn ủy học sinh, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Nguyễn Sơn Hà (nguyên ủy viên Ban thường vụ Đoàn ủy học sinh, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Võ Thị Lớn (nguyên chiến sĩ lực lượng võ trang biệt động Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Đàm Thanh Quang (nguyên chiến sĩ lực lượng võ trang biệt động Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định); Nguyễn Thị Đen (Huệ) - nguyên chiến sĩ y tá huyện Duyên Hải (nay là Ban chỉ huy quân sự huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao cờ thi đua dẫn đầu năm thành phố trực thuộc trung ương năm 2011 của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước; 60 nghệ sĩ được truy tặng, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Trong đó ông Nguyễn Văn Đua - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
* Ngày 29-4, ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2012), tại thị trấn Trường Sa và hai xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây cũng như trụ sở HĐND, UBND huyện trên đất liền đều tổ chức lễ mittinh, đồng thời phát động đợt thi đua nhân sự kiện này.
Cách đây 37 năm, Quân chủng hải quân đã mở cuộc tấn công thần tốc, nhanh chóng giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Từ sau ngày giải phóng đến nay, cùng với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước, cán bộ, quân và dân huyện Trường Sa đã không ngừng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh, phát triển mọi mặt.

Khánh thành Trường Đoàn Lý Tự Trọng

Sáng nay 30-4, sau hơn 15 tháng thi công, công trình cải tạo và xây mới Trường Đoàn Lý Tự Trọng (thuộc Thành đoàn TP.HCM) đã chính thức được khánh thành.

Một góc Trường Đoàn Lý Tự Trọng vừa được khánh thành sáng 30-4
Một góc Trường Đoàn Lý Tự Trọng vừa được khánh thành sáng 30-4 - Ảnh: Minh Đức

Với tổng vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng từ ngân sách TP, ngôi trường mới được xây dựng trên khu đất rộng hơn 15.200m² với các khối công trình hành chính, giảng đường, lớp học, hội trường quy mô 700 chỗ ngồi. Ngoài ra, hệ thống sân bãi sinh hoạt, công trình phụ cùng hệ thống cây xanh cũng được đầu tư, trồng mới.

Theo Bí thư Thành đoàn Nguyễn Văn Hiếu, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang, một đề án nâng cấp trường để có thể đào tạo bậc cử nhân cao đẳng, đại học trong tương lai gần cũng đã được chuẩn bị rốt ráo.

Phát biểu tại buổi lễ, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng cùng với việc khai thác sử dụng một cơ ngơi mới, các chương trình của trường phải được đầu tư đổi mới, chuẩn hóa để không chỉ bằng cấp mà kết quả đào tạo của trường được xã hội công nhận.

Bên trong hội trường đa năng của Trường Đoàn Lý Tự Trọng
Bên trong hội trường đa năng của Trường Đoàn Lý Tự Trọng - Ảnh: Minh Đức

Trường Đoàn Lý Tự Trọng được thành lập từ năm 1973, ngay trong căn cứ kháng chiến của Thành đoàn những năm chống Mỹ. Sau 39 năm thành lập, trường là nơi đào tạo hàng ngàn cán bộ Đoàn, Hội, Đội không chỉ cho TP.HCM mà còn cả cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu nhi của một số tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Ngoài những lớp tập trung, mỗi năm trường còn tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh niên, thiếu nhi cho hàng ngàn học viên.

TPHCM: Khởi công tòa tháp đôi 55 tầng


Sáng 27-4, Tập đoàn Bitexco đã làm lễ động thổ dự án The One, có tổng diện tích xây dựng là 195.000m², nằm ở phía Nam vòng xoay Quách Thị Trang (khu tứ giác Bến Thành) phường Nguyễn Thái Bình quận 1 TPHCM.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua và đại diện các bộ, ngành. Công trình The One có 2 tòa tháp, mang hình tượng hai con rồng vươn cao, trong đó tòa tháp phía Đông cao 55 tầng (218m) và tòa tháp phía Tây cao 48 tầng (240m). Hai tòa tháp được kết nối bằng khối đế 8 tầng nổi và 5 tầng hầm, trong đó 3 tầng hầm làm chỗ gởi xe, còn lại là diện tích của trung tâm thương mại. 

Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế cao cấp, bao gồm các chức năng trung tâm thương mại, văn phòng hạng A+, căn hộ dịch vụ cho thuê cao cấp và khách sạn hạng 6 sao Ritz Carlton. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư là 500 triệu USD.

Phát biểu tại buổi lễ động thổ, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng thời điểm này nền kinh tế thế giới còn khủng hoảng, diễn biến phức tạp, hoạt động bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nên việc khởi động dự án The One thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư. Hy vọng khi hoàn thành, The One sẽ tạo thêm điểm nhấn phát triển đô thị hiện đại cho TP. 

Dịp này, Tập đoàn Bitexco đã trao 2 tỷ đồng tặng Quỹ Vì người nghèo của TPHCM và quận 1. 

Họp mặt nhân Tết Bunpimay


Tổng lãnh sự Lào đã tổ chức họp mặt nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay tại Nhà Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh vào tối 26-4-2012. Đến dự có ông Nguyễn Văn Đua - Phó bí thư thường trực Thành ủy, lãnh đạo các tỉnh thành phía nam cùng 200 kiều bào Lào đang sống và học tập tại TPHCM. Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Southideth Phommalath - Tổng lãnh sự Lào - cho biết những thành quả của đất nước Lào đạt được trong thời gian qua không thể không nhắc đến sự giúp đỡ quý báu và hỗ trợ nhiệt tình của Việt Nam - người bạn thân thiết, người anh em láng giềng với núi liền núi, sông liền sông, người đồng chí cùng nhau chia ngọt sẻ bùi “hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa”. 

 Tổng lãnh sự Lào buộc chỉ tay cho lãnh đạo thành phố

Tổng lãnh sự Lào buộc chỉ tay cho lãnh đạo thành phố

Ông Nguyễn Văn Đua khẳng định năm 2012 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước, đó là Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị,â hợp tác Việt Nam - Lào, sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, xúc tiến đầu tư, thương mại để đưa quan hệ hai nước tiến xa hơn nữa, trong đó có quan hệ giữa TPHCM với các địa phương của Lào.

Phải phát huy sự năng động, sáng tạo của mỗi địa phương


Tiếp tục chuyến kiểm tra 1 năm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM ở 24 quận-huyện, sáng 17-4, đoàn công tác Thành ủy TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm việc với các huyện Củ Chi, Hóc Môn.

Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng đại diện lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành TP.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với huyện Củ Chi.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với huyện Củ Chi. Ảnh: Việt Dũng

Làm việc với huyện Củ Chi, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, huyện đã nỗ lực triển khai nghị quyết Đảng bằng các công trình, chương trình cụ thể và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, huyện Củ Chi chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Thế mạnh lớn nhất của huyện Củ Chi là quỹ đất đai còn dồi dào, chi phí đầu tư thấp, vị trí giao thông thuận lợi, lại giáp ranh với 3 tỉnh phát triển nhanh (Bình Dương, Long An, Tây Ninh), do vậy, huyện cần phải tạo quỹ đất để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển cây-con chất lượng cao, xây dựng nông thôn mới, nhà tái định cư. Muốn vậy, huyện phối hợp chặt chẽ với Sở QH-KT TPHCM nhanh chóng hoàn chỉnh bản quy hoạch 1/2000 để tạo bước đột phá, làm cơ sở quản lý chặt chẽ sau quy hoạch, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần đầu tư nghiên cứu xây dựng quy hoạch nông thôn mới, bởi cách làm như hiện nay chưa bài bản, không căn cơ và vẫn mang tính ước lệ.

“Các đồng chí nói quỹ đất khan hiếm, rồi kiến nghị chuyển một dự án tỉnh lộ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của TP theo dạng BOT. Kiến nghị như thế, chẳng khác nào dùng thuốc an thần cho mình mà thôi! Cũng là huyện ngoại thành, tại sao huyện Bình Chánh biết tạo ra quỹ đất để thu hút các dòng vốn đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật mới. Cho nên không hẳn khó về quỹ đất mà có khi khó về tư duy, về cách thức tiếp cận vấn đề” - đồng chí nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, khi làm việc với huyện ủy Hóc Môn, đồng chí Lê Thanh Hải cùng đoàn công tác Thành ủy TPHCM nhận định, với đội ngũ cán bộ chủ chốt mới, huyện đã chủ động phát huy tính năng động, sáng tạo trong triển khai nghị quyết Đảng, tạo nhiều chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế-xã hội. Hóc Môn cũng có nhiều tiềm năng như Củ Chi về quỹ đất, đều nằm ở cửa ngõ Tây Bắc TP và có tốc độ đô thị hóa nhanh. Do vậy, trong lúc khó khăn như hiện nay, nhất là nguồn ngân sách TP hạn hẹp, việc tìm ra các giải pháp tài chính bằng khai thác cao nhất nguồn nội lực từ quỹ đất phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế là một đòi hỏi cấp bách. Có nơi trước đây quy hoạch khu công nghiệp thì phù hợp nhưng khi nơi này đang hình thành khu đô thị và hiện chưa thu hút được nhà đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch thành khu dịch vụ-thương mại-nhà ở sẽ tạo sức hấp dẫn mới từ khai thác quỹ đất.

“Cơ chế, chính sách là do mình tạo ra từ cuộc sống. Đó cũng là động lực để chúng ta tìm ra lời giải cho bài toán từ thực tế chứ không phải cứ ngồi chờ Trung ương đến tháo gỡ. Hơn lúc nào hết, lúc này càng phải có sự năng động, sáng tạo ở mỗi địa phương, đơn vị. Với huyện Hóc Môn, chúng ta phải làm sao cho xứng với lịch sử cách mạng hào hùng của 18 thôn vườn trầu, Ngã Ba Giồng và bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do nước nhà” - đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 9 - Phấn đấu 10 năm tới tăng trưởng bình quân 12%


Ngày 12-4, Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM lần thứ 9 (khóa IX) khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: V.Dũng
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: V.Dũng

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đọc Tờ trình dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 và thảo luận sôi nổi về những nội dung trên.

Trong 10 năm qua, ngoài việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, TPHCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Đua nêu rõ, công tác này được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ TPHCM được nâng lên một bước; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém và ngày càng quá tải; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP; chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập. Công tác xây dựng Đảng còn một số mặt hạn chế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhưng nhìn cả quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Hệ thống giao thông tại TPHCM không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: Thái Bằng
Hệ thống giao thông tại TPHCM không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: Thái Bằng

Về mục tiêu tới năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển TP nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đầu tàu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TPHCM thành thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp tích cực cùng cả nước đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trong 10 năm tới, TPHCM phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Một trong 6 giải pháp cơ bản là TPHCM tiếp tục thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Tiếp đó, hội nghị nghe và thảo luận báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân ở TPHCM năm 2011.

Hôm nay 13-4, hội nghị tiếp tục làm việc.

Thùy Trang


10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị 
Thành tựu của TPHCM góp phần giữ vững ổn định đất nước

Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM là rất quan trọng và toàn diện; việc giữ vững ổn định chính trị của TPHCM góp phần giữ vững ổn định của đất nước. Đó là kết quả TPHCM đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010”.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng


Nét nổi bật qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị là chuyển dịch cơ cấu của TPHCM đi đúng hướng và khá mạnh mẽ. Chính vì vậy, dù phải chịu tác động xấu của khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế, TPHCM vẫn trụ vững và có bước phát triển tiến bộ, giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động khai thác nội lực của TP gắn kết chặt chẽ với việc huy động sức mạnh tổng hợp của khu vực và cả nước, với sự hội nhập và hợp tác quốc tế.

Nhiệm kỳ 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TPHCM là 11%. Đến cuối nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ lệ này là 11,2%, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, TPHCM đưa tỷ trọng dịch vụ chiếm 53,6% GDP, công nghiệp xây dựng chiếm 43,5% GDP, nông nghiệp chiếm 1,1%, và từng bước xây dựng TP trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghệ cao, xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước.

Thành quả có được là nhờ TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ kinh nghiệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TPHCM giúp cho Trung ương có thêm thực tiễn sinh động để hình thành tư duy, phát triển nghiên cứu lý luận, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế.

Nhiệm kỳ 2006-2010, từ thực tiễn của TPHCM, Hội đồng Lý luận Trung ương có cơ sở nghiên cứu 4 chuyên đề lớn về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, phát triển và quản lý báo chí, cải cách hành chính.

Nhìn cả quá trình, TPHCM có bước phát triển khá nhanh, nhưng so với yêu cầu và tiềm năng thì còn chậm. Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển các loại thị trường tài chính, khoa học công nghệ, bất động sản... còn chậm.

Điều mà người dân hàng ngày bức xúc và đang là lực cản cho sự phát triển KT-XH TP, đó hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị rất yếu kém, như ách tắc, tai nạn giao thông, ngập nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm khói bụi và nguồn nước…

Mục tiêu 10 năm tới đang đặt ra cho Đảng bộ TPHCM tập trung sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu xây dựng TPHCM thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Phát huy động lực sáng tạo


Như bản tính bền bỉ, mạnh mẽ và khoáng đạt trong nếp nghĩ, nếp sống để vượt qua mọi hoàn cảnh của người dân Nam bộ, càng nhiều khó khăn và thách thức, TPHCM càng có thêm động lực phát huy tính năng động, sáng tạo và coi đó là thế mạnh của mình. Việc quán triệt, vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của TP, cũng như những đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ cơ chế cũ không phù hợp, đã chứng minh điều đó. Mặt khác, những hạn chế trong phát triển kinh tế, những yếu kém tồn tại trong nhiều lĩnh vực chậm được khắc phục đều có nguyên nhân do chưa phát huy cao nhất thế mạnh này. Kinh nghiệm trên cần được tiếp tục khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong 10 năm tới.

Một bài học thực tiễn khác là khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện phải thật sâu sát và cụ thể, đồng bộ và kiên quyết. Khi đã xác định hướng đi đúng đắn và phục vụ lợi ích của toàn xã hội, TPHCM luôn kiên trì và kiên quyết thực hiện cho kỳ được mục tiêu. Đây thực chất là sự thay đổi phong cách làm việc, là đề cao dân chủ bàn bạc, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, là tăng cường trách nhiệm cá nhân. Mặt khác, trong từng thời điểm phải có sự tập trung cao, dám quyết đoán, dám đưa ra giải pháp táo bạo; biết tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, các đơn vị.

Thành công hay khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện đều có nguyên nhân từ công tác cán bộ. Kinh nghiệm 10 năm chỉ ra rằng, khi bố trí đúng cán bộ thì công việc đạt kết quả cao; khi kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì công việc trôi chảy hơn.

Bài học bao trùm nhất trong những năm qua, đó là giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy TPHCM. Đây chính là nhân tố bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ TPHCM.


Tuấn Sơn

Hội nghị lần thứ 9 BCH Đảng bộ TP.HCM


Ngày 12.4, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị lần thứ 9 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa 9.

Ngoài những thành tựu đã đạt được, dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị (khóa 9) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM do Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua trình bày tại hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề còn hạn chế, yếu kém mà TP cần phải chấn chỉnh, khắc phục.

Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vai trò, vị trí của TP; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển biến còn chậm; chất lượng tăng trưởng và năng lực cải cách chưa cao; kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém ngày càng quá tải gây bức xúc cho nhân dân; quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển và còn nhiều yếu kém; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; thể thao thành tích cao bị suy giảm...

TPHCM quy hoạch lại hệ thống cây xanh


Do việc quy hoạch cây xanh trước đây không còn phù hợp nên TPHCM đang quy hoạch lại hệ thống cây xanh, trong đó sẽ chú ý đến việc lựa chọn chủng loại cây xanh chịu đựng được với gió mạnh hoặc bão để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Xà cừ TPHCM
Việc chọn chủng loại cây trồng trong đô thị để chống chọi được với thiên tai là rất quan trọng. Trong ảnh là cây xà cừ bị đổ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 do gió bão hôm 1-4 - Ảnh: Anh Quân

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, việc quy hoạch cây xanh từ năm 2000 đến nay không còn phù hợp nữa nên UBND TPHCM đã giao cho Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch Kiến trúc lập lại quy hoạch hệ thống cây xanh đến năm 2025. Tuy nhiên, do quỹ đất để lập quy hoạch cây xanh rất ít nên việc lập quy hoạch đang gặp rất nhiều vướng mắc, nếu nhanh nhất đến cuối năm 2012 mới hoàn thiện để trình UBND TPHCM.

Sau khi hàng loạt cây xanh bị bật gốc do cơn bão số 1 đi qua, tại cuộc họp rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai hôm 2-4, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đã đề nghị phải rà soát lại quy hoạch để lựa chọn cây xanh phù hợp trong việc ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng.

Về việc lựa chọn chủng loại cây trồng, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng, do đặc điểm của TPHCM là ít có bão nên thường trồng các loại cây rễ cạn như lim xẹt, xà cừ, phượng vĩ, trong khi đặc điểm của các loại cây này là thân cao rễ không ăn sâu vào lòng đất. Một phần nữa là do quá trình đô thị hóa nên bên dưới rất nhiều bê tông và cây chỉ bám được ở một lớp đất rất mỏng, do đó chỉ cần có gió mạnh là bị bật gốc ngay.

Theo chuyên gia này, việc trồng cây xanh ở đô thị cần chú ý đến chủng loại cây như thân cây không quá cao, cây phải có độ dẻo dai để chịu được sức gió.

Tiền thu từ bán gỗ cây đổ sẽ sung công quỹ


Liên quan đến việc xử lý các cây xanh bị đổ hôm 1-4, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, hiện tại công việc dọn dẹp vẫn đang được tiến hành. Số gỗ thu được từ những cây đổ sẽ được các khu quản lý giao thông, thuộc Sở Giao thông Vận tải nghiệm thu và bán theo đơn giá Nhà nước. Số tiền thu được từ bán gỗ sẽ được đưa vào công quỹ.

Dự kiến, khoảng 3 ngày nữa việc dọn dẹp cành cây trên toàn địa bàn TPHCM sẽ hoàn tất, sau đó công ty sẽ trồng cây mới vào các vị trí bị bật gốc.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về việc đền bù thiệt hại cho người dân nếu như không may bị cây xanh đổ trúng gây tai nạn, ông Hà cho biết, trong trường hợp nếu như người đi đường gặp gió, bão bị cây đổ trúng gây tai nạn thì không được đền bù vì cây đổ là do thiên tai. Trong những trường hợp cụ thể công ty sẽ hỗ trợ cho người bị thiệt hại.

TPHCM nỗ lực khắc phục bão số 1


Ngày 2 - 4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống cũng như nỗ lực khắc phục cơn bão số 1 đã ảnh hưởng đến TPHCM.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn THPCM, cơn bão số 1 đã gây một số thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm. Tính đến 7 giờ ngày 2 - 4, bão số 1 đã gây thiệt hại tại 24 quận huyện trên địa bàn TP gồm: Sập hoàn toàn 2 căn nhà; 9 căn nhà hư hỏng một phần; 218 căn nhà tốc mái; 237 cây xanh ngã đổ; 2 chiếc tàu bị cuốn trôi; 11 chiếc ghe bị chìm; 2 trường học và 1 trụ sở cơ quan bị hư hỏng; 31 phòng trọ và 1 chợ bị hư hỏng vì tốc mái.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua giúp dân chống bão
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua giúp dân chống bão

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhìn nhận các phương án kế hoạch phòng, chống lụt, bão đã được vận hành tốt trên toàn địa bàn TP nên đã hạn chế được thiệt hại; đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác tham gia phòng tránh cơn bão số 1; kịp thời đeo bám xử lý mọi tình huống nhằm giảm thiểu tổn thất đến mức thấp nhất cho người dân.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua đánh giá cao lực lượng công nhân công viên cây xanh đã không ngại nguy hiểm, có mặt kịp thời trong mưa bão tại các vị trí cây ngã đổ để xử lý và công nhân điện lực đã có mặt kịp thời tại các vị trí xảy ra sự cố, sửa chữa ngay để không gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Khắc phục thiệt hại do bão số 1


Ngày 1/4, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến tối 1/4, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Sơ tán người dân Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vào nơi an toàn
Sơ tán người dân Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vào nơi an toàn. - Ảnh: SGGP


Do ảnh hưởng của bão số 1, ở thành phố Phan Thiết đã có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); La Gi (Bình Thuận) có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9); Phú Quý có gió giật 20m/s (cấp 8); TP. Vũng Tàu có gió giật 18m/s (cấp 8)…
Lượng mưa đo được ở các tỉnh ven biển nam Trung Bộ, Nam Bộ và Nam Tây Nguyên phổ biến trong khoảng 50 – 150mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Nha Trang 180mm; Phan Rang (Ninh Thuận) 156mm; MĐrăk (Đắc Lắc) 187mm; đảo Phú Quý 182mm; Vũng Tàu 231mm; Long Khánh (Đồng Nai) 208mm..…

Hồi 22 giờ ngày 1/4, vị trí trung tâm vùng áp thấp vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Trong 12 giờ tiế theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 1 này.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại

Khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 16 giờ ngày 1/4, bão số 1 đổ bộ vào địa bàn đã làm bị thương 3 người ở thành phố Vũng Tàu, huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa; làm sập hoàn toàn 23 căn nhà, trong đó, chủ yếu là thị xã Bà Rịa với 12 căn.
Ngoài ra, bão số 1 còn làm tốc mái 140 căn nhà, trong đó, thị xã Bà Rịa cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 102 căn, huyện Long Điền 30 căn; 8 trụ điện bị đổ.

Hiện các cơ quan chức năng tại địa phương đang tích cực dọn dẹp, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.

Do được chuẩn bị chu đáo, tàu thuyền được bố trí hợp lý, neo buộc chắc chắn tại các khu neo đậu nên không có thiệt hại.

Từ khoảng 19 giờ, trên địa bàn toàn tỉnh đã dứt mưa nhưng hiện vẫn còn gió khá lớn. Tuy bão đã qua nhưng đề phòng mưa lớn sau bão có thể gây ngập lụt, lở đất, các các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai các biện pháp ứng cứu.

Miền Bắc nắng đẹp

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, trong ngày 2/4, lưỡi áp cao lạnh lục địa chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua tiếp tục suy yếu nên khu vực này sẽ có nắng đẹp vào trưa và chiều, nhiệt độ tăng nhanh.

Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn chịu sự ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp do cơn bão số 1 suy yếu nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. 

Tại Bình Dương, tối 1/4, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh do ảnh hưởng bão số 1 khiến nhiều khu vực bị mất điện.

Theo ông Trương Công Thạch, Phó phòng Kinh tế, thị xã Thuận An cho biết, trên địa bàn 2 xã Bình Nhâm, An Sơn và thị trấn Lái Thiêu đã xảy ra gió mạnh làm gãy đổ nhiều vườn cây ăn trái đang vào mùa trổ bông, trong đó nhiều cây măng cụt cả trăm năm tuổi có giá trị bị hư hại. Hiện mọi thiệt hại đang được thống kê. 

Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo khẩn các huyện, thị tăng cường đề phòng gió xoáy cục bộ trong đất liền.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, áp thất nhiệt đới đã gây một số thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Cần Giờ, đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 2 căn nhà bị sập, 13 căn nhà bị tốc mái, 7 chiếc ghe bị chìm và một chiếc ghe bị trôi. Trên tuyến đường Tỉnh lộ 25B, quận 2 do Bến phà Cát Lái (nối liền giữa quận 2 và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tạm ngưng hoạt động đã bị kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài hàng km.

Ngay sau khi lượng mưa và gió suy giảm, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban chi huy Phòng chống lụt bão vả Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cũng lãnh đạo huyện Cần Giờ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại.

Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, mưa lớn đã làm 4.000 ha lúa Đông Xuân tại 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát chưa kịp thu hoạch bị ngã đỗ nặng. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cho các địa phương huy động lực lượng tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa nhanh gọn.

Tại Phú Yên, hiện chưa có số liệu chính thức từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, nhưng bước đầu thống kê tại một số địa phương thuộc vùng trọng điểm lúa tỉnh Phú Yên cho thấy thiệt hại là đáng kể. Tại huyện Phú Hòa, ít nhất 700 ha trong số 5.520 ha bị ngã đổ; tại huyện Đông Hòa có ít nhất 1.000 ha lúa nằm ở vùng trũng chiếm gần 22% diện tích lúa đông xuân toàn huyện cũng bị ngã đổ…

Tại Kiên Giang, do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, vừa có lợi cho phòng chống cháy rừng mùa khô và xuống giống vụ hè thu sớm, vừa gây khó khăn cho thu hoạch lúa đông xuân muộn.

Bão "thử sức" TP.HCM


Chiều 1-4, bão số 1 đổ bộ vào TP.HCM và thật sự chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, không gây thiệt hại nhiều. Đối với người dân TP.HCM, đây là một cuộc thử sức trước những biến cố bất thường của thời biến đổi khí hậu.

Ngư dân Cần Giờ vất vả đưa thuyền đi tránh bão
Ngư dân Cần Giờ vất vả đưa thuyền đi tránh bão  - Ảnh: Thuận Thắng
TNXP Cần Giờ
Lực lượng TNXP được tăng cường từ các quận phân phát cơm cho người dân tránh bão tại trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ - Ảnh: T.Thắng

Theo đánh giá của Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, công tác phòng chống bão số 1 của TP.HCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng đã chủ động và tốt hơn rất nhiều so với cơn bão số 9 năm 2006.

Cần Giờ di tản dân


Các lực lượng bộ đội, đơn vị cứu hộ cứu nạn, thanh niên xung phong và chính quyền các địa phương huyện Cần Giờ đã có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ. Phần lớn người dân sinh sống trên xã đảo Thạnh An đã được đưa vào nơi cư trú an toàn trước khi bão tới hơn một ngày, trừ một số người ở lại trông coi tài sản và tiếp tục làm công tác chống bão. Chủ các thuyền đánh cá cũng đã ý thức và chủ động đưa thuyền về tránh bão.

Đầu giờ chiều 1-4, khi thấy nhiều thuyền cá đậu ở bến cảng Cầu Đò không đảm bảo an toàn, chính quyền huyện Cần Giờ đã yêu cầu các chủ tàu di dời tàu vào bến cảng Cầu Đen nơi có rừng phòng hộ che chắn khuất gió hơn. Còn người dân ở thị trấn Cần Giờ và các xã khác chủ động che chắn nhà cửa, ở yên trong nhà, thậm chí một số gia đình có điều kiện đưa trẻ nhỏ tránh bão ở nhà bà con ở trung tâm TP. Khách du lịch cũng được chính quyền khuyến cáo và vận động nhanh chóng trở lại trung tâm TP, tới đầu giờ chiều hầu hết khách du lịch đã quay về.

14g30, ông Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo tạm đóng cửa phà Bình Khánh hướng từ Q.7 qua Cần Giờ, vẫn mở chiều từ Cần Giờ về Q.7 để khách du lịch trở về và người dân tiếp tục tránh bão.

Người dân đi tránh bão tại các nơi an toàn như trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi huyện được phát cơm hộp, nước miễn phí. Bà Nguyễn Thị Bạc (102 tuổi, sống tại ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An, đang tránh bão tại trung tâm văn hóa huyện) cho biết trong đời bà mới chỉ gặp vài cơn bão. Trong cơn bão số 1 lần này, bà cảm thấy rất an tâm khi gần 20 người trong gia đình bà được chính quyền di tản sớm và lo cho chỗ ăn ở an toàn.

Tuy không tới trung tâm tránh bão nhưng hai vợ chồng anh Lê Văn On ở bến cảng Cầu Đen, thị trấn Cần Giờ cũng đã chủ động gửi con tới nơi an toàn, còn hai vợ chồng ở lại trông nhà và theo dõi tình hình bão qua tivi, khi có biến sẽ qua trú ở nhà hàng xóm kiên cố hơn.

Khoảng 16g ngày 1-4, bão số 1 đổ bộ vào huyện Cần Giờ, sức gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 6 và duy trì trong khoảng hơn một giờ. Đến 18g cùng ngày, theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Huỳnh Cách Mạng, cơn bão số 1 đã làm sập 4 căn nhà, 16 căn tốc mái, 11 tàu bị chìm, 19 cây bị đổ ngã, không có thiệt hại về người.

Gió mạnh, người đi bộ trên đường Đồng Khởi

dọn dẹp cây gãy đổ trên đường Trương Định
Gió mạnh, người đi bộ trên đường Đồng Khởi (Q.1) chật vật che mưa; dọn dẹp cây gãy đổ trên đường Trương Định (Q.3) 

Ngập nước, cây xanh ngã đổ


Dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền nhưng gây ra mưa to, gió giật mạnh tại khu vực nội thành TP.HCM làm hàng loạt cây xanh ngã đổ, nhiều tuyến đường bị ngập nước.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP mưa kéo dài từ sáng nhưng chủ yếu tập trung chiều tối với lượng mưa đạt 102mm, gây ngập nhiều tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát, Hòa Bình, Âu Cơ, Bàu Cát, Đồng Đen từ 15-30cm. Đặc biệt, theo ghi nhận, từ 18g trở đi mưa liên hồi kèm theo gió giật mạnh đã làm cây xanh cao gần 10m trước nhà số 111 Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1 bị bật gốc ngã ra đường).

Sự cố cũng làm đứt dây cáp điện khiến nhiều hộ dân trên tuyến đường này bị cúp điện. Vào thời điểm này, một cây xanh trên đường Đông Du (Q.1) bị gió xô ngã đè lên taxi vinasun. Anh Đăng Hoàng Tuấn, tài xế taxi kể lại: “Khi xe vừa qua khách sạn Sheraton, có một bóng cây từ trên chụp xuống xe, tôi chỉ kịp đưa hai tay lên đỡ thì nghe tiếng ầm. Nhìn ra ngoài thấy cả cây cổ thụ ngã đè lên xe, hai người khách phía sau hoảng hốt la thất thanh.”

Mưa to kèm theo gió mạnh làm nhiều cây xanh lớn, trụ điện xung quanh công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) bị ngã đổ hàng loạt. Một chiếc xe taxi của hãng Vinasun bị một cây lớn và trụ điện ngã đè trong lúc đi từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất về vòng xoay Lăng Cha Cả - Cộng Hòa. Gần chục cây xanh lớn, chủ yếu là cây me tại các tuyến đường quanh công viên bị trốc gốc.

Một số trụ điện trên tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về Lăng Cha Cả - Cộng Hòa cũng bị gãy, kéo theo dây điện đứt hàng loạt trên tuyến đường này.Sau khi xảy ra nhiều sự cố, chiều tối qua, giao thông tại khu vực này trở nên hỗn loạn. Lực lượng Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất, Cảnh sát giao thông Q.Tân Bình và nhiều lực lượng chức năng liên quan khác phải điều tiết tình hình giao thông và khắc phục hậu quả tạm thời tại khu vực này.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, phó giám đốc Công ty công viên cây xanh TP thống kê đến 19g đã có 31 cây xanh loại 1-2 bị bật gốc ngã ra đường gây cản trở giao thông. Công ty phải cử hơn 100 cán bộ ưu tiên xử lý ngay những cây xanh này.

Do gió ngày càng mạnh, đến 21g đã có thêm nhiều cầy cổ thụ khác trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Đông Du, Nguyễn Thị Nghĩa, 3 tháng 3... tiếp tục bị ngã xuống đường. Cho đến 22g tối qua, vẫn chưa có con số chính thức thống kê cây xanh bị ngã đổ.

Bão bất thường


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu (tâm bão giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM), bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống còn cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7-8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Tuy nhiên hoàn lưu áp thấp nhiệt đới còn gây gió giật cấp 6-7 ở vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Trước khi vào đất liền, bão số 1 đã gây gió mạnh 14m/giây (cấp 7), giật 22m/giây (cấp 9) ở TP Phan Thiết và một số nơi khác thuộc tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, bão số 1 xuất hiện sớm, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta mang nhiều yếu tố khá bất thường. Số liệu quan trắc cho thấy trong hơn 40 năm qua chỉ có bảy cơn bão xuất hiện thời điểm tháng 3, trong đó có một cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đa số những cơn bão hình thành sớm không phải ở mùa bão (từ tháng 6 trở đi) thường “chết” trên biển do thời điểm này mặt biển còn khá lạnh, không cung cấp nhiều năng lượng để bão tồn tại lâu. Hướng di chuyển của bão sớm rất phức tạp, thường dịch chuyển lên phía bắc.

Tuy nhiên bão số 1 tồn tại khá lâu đến năm ngày trên biển, chỉ suy yếu khi vào đất liền. Theo bà Lan, yếu tố làm nên bão số 1 bất thường có thể do tác động biến đổi khí hậu làm cho mặt nước trên biển ấm hơn bình thường. Dự báo năm nay bão sẽ xuất hiện 6-7 cơn nhiều hơn trung bình các năm 1-2 cơn.

Trên 2.000 dân Cần giờ được di tản

Sáng 31-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí chỉ đạo khẩn yêu cầu UBND huyện Càn Giờ tổ chức sơ tán, di dời dân ở xã đảo Thạnh An.

16g ngày 31-3, UBND huyện Cần Giờ đã di dời được 1.773 người dân xã đảo Thạnh An
9g sáng 1-4, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua và nhiều lãnh đạo TP có mặt tại UBND huyện Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công các phòng chống bão
Trưa 1-4, có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.
Trong đó, ba điểm tiếp nhận 1.545 người dân xã Thạnh An gồm: Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ: 670 người; nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ: 665 người; Liên đoàn lao động huyện Cần Giờ: 210 người. Ba điểm tiếp nhận 500 người dân thị trấn Cần Thạnh gồm: Trường THPT Cần Thạnh: 227 người; Trường tiểu học Cần Thạnh: 200 người, ngoài ra các trường mầm non và bệnh viện tiếp nhận 73 người. Bốn điểm tiếp nhận 250 người dân xã Long Hòa gồm: Trường tiểu học Long Thạnh: 170 người; nhà văn hóa ấp Đông Hòa: 40 người; trường tiểu học Hòa Hiệp: 25 người; Đồn biên phòng 562: 15 người.
THUẬN THẮNG
* Hai người bị nước cuốn trôi. Tại Ninh Thuận, anh Trần Xuân Hậu (25 tuổi, ở xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đi qua bờ tràn Cây Trôm gần nhà để thả lưới cá thì bị nước cuốn trôi. Người dân và gia đình đã tìm được thi thể anh Hậu gần nơi anh bị nạn.
Tại Khánh Hòa, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết ông Hà Hương (dân tộc Raglai, 37 tuổi, ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) bị nước cuốn mất tích trên đường đi làm rẫy.
Tại Đồng Nai, đến 20g tối qua, ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết đã có ba người bị thương và trên 331 căn nhà bị sập và tốc mái cùng nhiều cây trồng lâu năm bị ngã đổ. Do mưa lớn kèm theo lốc xoáy, nhiều nơi ở huyện Thống Nhất, TP Biên Hòa bị mất điện kéo dài.
VĂN KỲ - H.MI
* Máy bay không hạ canh được. Sáu máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), gồm bốn máy bay ATR 72 và hai máy bay Airbus A321 đã phải nằm chờ ở sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia) do gió tại sân bay Tân Sơn Nhất giật quá mạnh, không thể hạ cánh được.
L.N.
* Hơn 450 căn nhà sập và tốc mái. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ĐBSCL, do ảnh hưởng của bão số 1, trong hai ngày 31/3 và 1/4, gió lốc đã làm sập hơn 450 căn nhà của người dân ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ, trong đó có hơn 40 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và cột điện bị gãy đổ. Vĩnh Long là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 321 căn nhà ở 15.
VĨNH TRÀ
* Mất điện. Đến 19g30 cùng ngày, hầu hết, trên tất cả các địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn bị cúp điện. Theo lãnh đạo các địa phương, hầu hết nơi nào cũng có thiệt hại về tài sản, chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4 bị tốc mái, bị sập và cây công nghiệp, hoa màu bị gãy đổ. Chưa có báo cáo có thiệt hại về người.
ĐÔNG HÀ
* Kẹt xe do sạt lở. Chiều tối 1-4, tại km47, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, đoạn qua xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), do mưa lớn kéo dài, đất trên núi sạt xuống chắn ngang đường, khiến giao thông tắc nghẽn, hàng chục ôtô chở khách và chở hàng từ Đà Lạt xuống Nha Trang bị mắc kẹt.
VĂN KỲ
* Hơn 3.000ha lúa bị đổ ngã. Trong đêm 31-3 và sáng ngày 1-4, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa và mưa to, có nơi đến rất to, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Tuy Phước, đến 17g ngày 1-4, mưa lớn kết hợp với gió giật mạnh đã làm trên 3.000ha diện tích lúa Đông - Xuân sắp thu hoạch của bà con trong huyện bị đổ ngã, ngập nước.
XUÂN VINH
T.THẮNG - Q.KHẢI - B.ÂN - S.LÂM - N.KHẢI